Tăng quyền chủ động trong công tác tổ chức, cán bộ
Với vai trò đại diện cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), tổ chức công đoàn gồm 4 cấp: cấp Trung ương; cấp tỉnh, ngành Trung ương; cấp trên cơ sở; công đoàn cơ sở. Đặc biệt tập trung quan tâm công đoàn cơ sở, nhất là cán bộ công đoàn chuyên trách; do đó cử tri đồng tình với ĐBQH: nên có một mục riêng về Công đoàn cơ sở. Cán bộ công đoàn trưởng thành từ giai cấp công nhân, NLĐ, được ĐV tín nhiệm lựa chọn, tôn vinh bầu cử như những “thủ lĩnh” của mình. Công đoàn cấp trên cần bồi dưỡng thêm về công tác công đoàn để cán bộ công đoàn có kỹ năng hoạt động, gắn bó với cơ sở, sâu sát với đoàn viên, NLĐ.
Đồng thời, cử tri tâm đắc với thảo luận của các ĐBQH: tăng quyền chủ động của Công đoàn trong công tác tổ chức, cán bộ; từ bồi dưỡng, rèn luyện, giúp đỡ, đến bố trí cán bộ thuận theo kết quả bầu cử, với sự tín nhiệm cao của đoàn viên. Có như vậy, Công đoàn mới thực hiện được vai trò đại diện của mình, có khả năng tập hợp được NLĐ, vận động đoàn viên thực hiện chủ trương, pháp luật. Sự tín nhiệm của đoàn viên cùng với quyền chủ động của tổ chức công đoàn sẽ tạo được đội ngũ cán bộ công đoàn có chất lượng, đủ năng lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức giám sát, phản biện xã hội ngày càng tốt hơn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam độc lập tương đối quyết định số lượng cán bộ công đoàn để quy hoạch, đào tạo cán bộ tương thích với đặc thù của từng ngành, địa phương theo số lượng công đoàn cơ sở, đoàn viên, NLĐ; tránh được sự cào bằng giữa các công đoàn khi xây dựng, quyết định biên chế. Thông qua quyết định số lượng cán bộ, công đoàn mới có điều kiện lựa chọn những người có năng lực, trình độ, uy tín cao từ giai cấp công nhân cho tổ chức công đoàn. Công đoàn chủ động quyết định số lượng cán bộ trên cơ sở khả năng tài chính của mình sẽ không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước là rất hợp lý với đặc thù tổ chức công đoàn. Đồng thời, công đoàn cũng chủ động tính toán hợp đồng thêm cán bộ công đoàn ở những đơn vị, những vị trí cần thiết, để giảm dần cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm.
Tài chính công đoàn bảo đảm hoạt động
Để chủ động trong công tác tổ chức, cán bộ; tăng cường thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ theo dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), rất cần bảo đảm về tài chính để hoạt động. Công tác tổ chức, cán bộ, tài chính công đoàn có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Tài chính công đoàn được hình thành chủ yếu từ: đoàn phí công đoàn 1% tiền lương đoàn viên; kinh phí 2% tổng quỹ tiền lương do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trích nộp. Thực chất kinh phí công đoàn giá trị do đoàn viên, NLĐ tạo ra và gián tiếp nộp cho tổ chức công đoàn mình.
Tài chính công đoàn là mối quan hệ thiết yếu giữa ĐV công đoàn với tổ chức của mình và giữa cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp với tổ chức công đoàn. Đoàn phí công đoàn chủ yếu để chi tiêu tại cơ sở, phục vụ cho mọi hoạt động của công đoàn. Hoạt động công đoàn càng mạnh mẽ, nhất là công đoàn cơ sở; đặc biệt chăm lo, bảo vệ được đoàn viên, NLĐ thì khả năng tập hợp NLĐ tham gia công đoàn càng đông, thực chất, dân chủ. Qua đó, không những tuyên truyền, phổ biến chủ trương, pháp luật thuận lợi mà việc thu đoàn phí càng tốt, tránh tình trạng hoạt động công đoàn hình thức, gò ép; NLĐ miễn cưỡng tham gia tổ chức công đoàn và đóng đoàn phí.
Nội dung kinh phí công đoàn được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trích nộp 2% tổng quỹ tiền lương như luật hiện hành và được hạch toán vào giá thành hoặc phí… như hạch toán tiền lương, BHXH… theo pháp luật cũng nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu. Trích nộp kinh phí công đoàn là mối quan hệ hữu quan giữa đơn vị sử dụng lao động với tổ chức công đoàn và NLĐ đã được quy định từ Luật Công đoàn đầu tiên năm 1957. Kinh phí công đoàn do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất quản lý theo luật pháp; chủ yếu để lại chi tiêu tại cơ sở, có như vậy công đoàn mới có khả năng chi trả tiền lương cho cán bộ chuyên trách công đoàn, hạn chế cán bộ công đoàn kiêm nhiệm hưởng lương từ doanh nghiệp.
Quốc hội Khóa XV thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Bảy. Dự thảo Luật được cử tri quan tâm theo dõi, nhất là cán bộ, đoàn viên công đoàn, NLĐ, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Dự án luật được sửa đổi bổ sung khá nhiều quy định để phù hợp quá trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường nhiệm vụ, trách nhiệm tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Điều đó đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ lưỡng công tác tổ chức, cán bộ và tài chính công đoàn tạo điều kiện thiết yếu để tổ chức công đoàn thực hiện những quy định của pháp luật.