Tạo điều kiện để báo chí phát triển và hội nhập

- Thứ Hai, 16/11/2015, 14:52 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Không nên có quá nhiều giấy phép con làm ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí và quyền công dân trong việc tiếp cận với báo chí đặc biệt là tự do ngôn luận; việc quy định về cấp phép, xin phép phải trong phạm vi nhất định, nếu quy định quá nhiều sẽ tạo ra cơ chế xin - cho trong khi chúng ta đang nỗ lực cải cách TTHC, Phó chủ nhiệm (PCN) Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Lê Như Tiến trao đổi .

- Thưa ông, tại kỳ họp này, QH sẽ thảo luận về dự án Luật Báo chí (sửa đổi), là thành viên của cơ quan thẩm tra, xin ông cho biết những điểm mới căn bản trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này?


PCN Lê Như Tiến: Có thể nói, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã bám sát Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân và đặc biệt là quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin. Đây là những quyền rất cơ bản của người dân. Dự thảo luật cũng nêu rõ những vấn đề về việc thành lập cơ quan báo chí, mô hình các cơ quan báo chí, quyền công dân, quyền các tổ chức và đặc biệt là dự thảo luật đề cao vai trò của cơ quan báo chí của công luận, của dư luận xã hội của các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin, tiếp cận của người dân đối với báo chí.

Dự thảo luật cũng khẳng định các cơ quan tổ chức cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, chế định bảo vệ nhà báo, chế định những việc nhà báo được làm và không được làm và những điều cấm trong hoạt động báo chí. Có rất nhiều điều mới trong dự thảo luật lần này nhưng quán triệt nhất là quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân đối với hoạt động báo chí. 
 
- Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định đến 7 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí . Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này như thế nào?

PCN Lê Như Tiến: Tôi cho rằng, dù ở nước nào thì cũng có sự quản lý của nhà nước đối với báo chí và hoạt động báo chí. Song khi nghiên cứu dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), nhiều ĐBQH băn khoăn vì có nhiều điều trong dự thảo luật đặt ra là phải đăng ký, phải xin phép.

Theo tôi, tại kỳ họp này, ĐBQH sẽ có những thảo luận để bảo đảm thực hiện theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, không nên có quá nhiều giấy phép con làm ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí và quyền công dân trong việc tiếp cận với báo chí đặc biệt là tự do ngôn luận. Nếu để quá nhiều giấy phép, quá nhiều thủ tục hành chính chắc chắn sẽ không được xã hội đồng thuận. Vì vậy, có quy định về cấp phép, xin phép thì cũng phải trong phạm vi nhất định, không được quy định quá nhiều sẽ tạo ra cơ chế xin - cho trong khi chúng ta đang nỗ lực cải cách TTHC và giảm cơ chế xin - cho. 
 
- Nhằm tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, đồng thời bảo đảm quyền tự do báo chí của công dân theo tinh thần Hiến pháp, theo ông dự thảo Luật nên quy định theo hướng nào?

PCN Lê Như Tiến:
Qua kết quả hoạt động giám sát, hoạt động báo chí trong những năm qua, theo quan điểm của tôi cũng như nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ thì Luật Báo chí nên bám sát theo quy định có thể nói là “cởi mở” của Hiến pháp năm 2013 về quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của công dân.

Bên cạnh việc quản lý báo chí, phải tạo mọi điều kiện để cho báo chí phát triển hội nhập. Một xã hội với rất nhiều thông tin, thông tin “ồ ạt” như hiện nay thì một mặt quản lý để báo chí đi đúng, định hướng dư luận nhưng mặt khác tạo điều kiện cho báo chí phát triển chứ không chỉ là quản lý báo chí, đó mới chính là mục đích của Luật Báo chí. 
 
- Thực tế cho thấy có nhiều hành vi cản trở báo chí trong quá trình nhà báo tác nghiệp. Vậy  Luật Báo chí (sửa đổi) giải quyết tình trạng này như thế nào thưa ông?
 
PCN Lê Như Tiến: Đúng là thời gian vừa qua rung lên hồi chuông cảnh báo, tình trạng phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp thì bị đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của nhà báo, và có những cá nhân thu giữ, hủy hoại phương tiện hành nghề của nhà báo. Thực tế báo chí trên thế giới cũng đối mặt với vấn đề này, vì vậy, người ta coi nghề nhà báo là một trong những nghề rủi ro.

Trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này đã quy định rõ, đối với tổ chức, cá nhân, nghiêm cấm không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí hành hung đối với nhà báo, nghiêm cấm thu giữ phương tiện hành nghề đối với phóng viên, nhà báo tác nghiệp... Đây là những quy định tiến bộ, nhằm nghiêm trị đối với kẻ có hành vi xâm hại đối với nhà báo, nhằm bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp.
 
- “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”. Có ý kiến cho rằng, nếu quy định như dự thảo sẽ làm khó cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
 
PCN Lê Như Tiến:
  Với quy định tại khoản 3 điều 37 của dự thảo Luật mà phóng viên vừa đề cập ở trên thì trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cho rằng, quyền giữ bí mật nguồn tin là quyền rất quan trọng của nhà báo và các cơ quan báo chí, nếu cả nhà báo và cơ quan báo chí cung cấp tất cả các nguồn tin, thông tin mà mình có được đối với các cơ quan tổ chức thì sau này sẽ không ai cung cấp thông tin cho báo chí.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị chỉ cung cấp thông tin đối với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, đối với những vụ án “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng”. Thực tế hiện nay, loại “tội phạm nghiêm trọng” rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Đây cũng chính là bảo vệ nguồn tin cho tờ báo và để cho báo chí có điều kiện thuận lợi khi thực hiện nhiệm vụ trong đó có phóng sự điều tra của riêng mình.

- Cám ơn ông về những chia sẻ này !

Hà An