Tạo điểm nhấn, đầu tư sâu cho du lịch nông thôn

Hương Sen 23/07/2022 06:43

Cùng với du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn được kỳ vọng tạo thêm nguồn lực phát triển nông thôn mới, thúc đẩy sinh kế cho người dân. 

Dịch vụ sơ khai, tự phát

Thôn Muối, xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017 và nông thôn mới nâng cao năm 2020. Đa số bà con ở đây trồng vải thiều.

Gia đình ông Chu Xuân Ba có hơn 2ha trồng vải và khoảng 0,5ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Với lợi thế sẵn có, gia đình ông triển khai mô hình phát triển du lịch gắn với các loại cây ăn quả của gia đình. Tuy nhiên, cách thức phục vụ đoàn khách gần như tự phát và chưa có dịch vụ du lịch. “Chúng tôi muốn phát triển du lịch để quảng bá hình ảnh vườn vải, qua đó tiêu thụ được giá hơn. Khi có khách du lịch, chúng tôi để khách tham quan và bán vải theo yêu cầu”, ông Ba chia sẻ.

Ông Vi Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Giáp Sơn cho biết, thôn Muối có khoảng 400 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Sán Dìu chiếm 98%. Bình quân mỗi hộ có hơn 1ha vải thiều. "100% hộ dân trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, một số hộ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên bán được giá. Để thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ, chúng tôi cũng định hướng phát triển du lịch gắn với giá trị văn hóa nhưng để xây dựng chuẩn dịch vụ du lịch còn rất nhiều việc phải làm”.

Chương trình tham quan du lịch gắn giữa vườn vải và du lịch tại hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) của Hợp tác xã thương mại và dịch vụ An Phú cũng mới dừng ở mức sơ khai. Đại diện đơn vị, bà Khúc Thị Nga cho biết, với các vườn vải, người dân tập trung chủ yếu trồng, thu hoạch nông nghiệp thuần túy, chưa có các dịch vụ hỗ trợ và khả năng giới thiệu về quy trình, chăm sóc, thu hoạch, phân biệt các loại vải. Còn trên hồ Cấm Sơn mới có 1 đảo xây dựng chỗ ăn ở, cắm trại và đưa khách vào bản trải nghiệm du lịch cộng đồng. Ngay cả thuyền chở khách chủ yếu là tận dụng lại thuyền chở dân trên lòng hồ nên chưa đạt tiêu chuẩn. Các thành viên hợp tác xã đang căn cứ nhu cầu và lượng khách để đầu tư thuyền có chất lượng dịch vụ tốt hơn, giảm tiếng ồn, bảo đảm môi trường.

Từng khảo sát các điểm đón khách tại thôn Muối, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên đánh giá, hạ tầng, đường sá trong thôn khá hoàn thiện nhưng chất lượng tiêu chuẩn dịch vụ du lịch còn thiếu, nhiều gia đình thu nhập từ trồng vải lớn nên chưa quan tâm đầu tư dịch vụ du lịch. “Xã và huyện nên quy hoạch và hướng dẫn cụ thể cách làm. Tại vườn vải cũng nên có bảng thông tin cây nào khai thác phục vụ du lịch, cây nào để bán buôn…”.

Khách tham quan tại vườn vải thôn Muối, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) - Ảnh: Danh Lam
Khách tham quan tại vườn vải thôn Muối, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) Ảnh: Danh Lam

Đầu tư chất lượng dịch vụ

Du lịch nông nghiệp, nông thôn xuất hiện từ khi Việt Nam hội nhập, phát triển du lịch gắn với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… Một số địa phương phát triển du lịch gắn với nghề trồng rau (Quảng Nam), với miệt vườn (đồng bằng sông Cửu Long...). Tuy vậy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, không chỉ Bắc Giang mà tại một số vùng trồng cây ăn quả, việc các chủ vườn tham gia làm du lịch là điều khó khăn. Đơn cử, tại Hàm Yên (Tuyên Quang), do giá trị từ trồng cam lớn nên khi vận động người dân tham gia làm du lịch thì ít hộ mặn mà bởi chi phí đầu tư, duy trì dịch vụ khá tốn kém, lợi nhuận không nhiều...

“Du lịch nông nghiệp muốn phát triển cần xây dựng kết hợp tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm… Điều này gắn với trải nghiệm và quan trọng nhất là bán được hàng hóa. Có như vậy mới mang lại giá trị kinh tế và khuyến khích người dân tham gia chương trình du lịch nông nghiệp. Còn với du lịch nông thôn, quan trọng không kém bên cạnh hạ tầng là gìn giữ văn hóa. Do vậy, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới cần chọn một số làng, thôn điển hình để làm điểm, từ đó mới tạo được sức hút cho du khách”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương nói.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương cũng cho biết, từ năm 2018, Tổng cục khi đề cập đến du lịch nông nghiệp, nông thôn nhân Hội chợ Du lịch VITM 2018 đã nhận định, ở Việt Nam phần lớn hoạt động nông nghiệp có quy mô nhỏ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, giá trị nông sản thấp, công nghệ chế biến lạc hậu… “Để thành điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn thu hút du khách cần các yếu tố: Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp, chủ thể tổ chức cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp, các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách, vai trò của các công ty lữ hành, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến”.

Từ góc độ doanh nghiệp du lịch, Phó Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng Phạm Thị Hồng Thu góp ý, cùng với Mộc Châu (Sơn La), Lục Ngạn đang hướng đến hình thành điểm du lịch nông nghiệp gắn với vùng trồng cây ăn quả kết nối với điểm tham quan sinh thái hồ Cấm Sơn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của Lục Ngạn còn nghèo nàn, hồ Cấm Sơn chưa có chỗ nghỉ ngơi, ít mang lại hiệu quả kinh tế. “Du lịch nông nghiệp nông thôn chỉ được phát huy khi người dân sở tại thấy yêu và tự hào với không gian nơi họ sống, sản phẩm được tiêu thụ và giá trị văn hóa được bảo tồn. Làm du lịch phải đầu tư chuyên sâu để khách lưu trú, dùng nông sản địa phương, mua sắm, sử dụng dịch vụ du lịch... mới tạo việc làm, tăng giá trị kinh tế, phát triển bền vững”, bà Thu cho hay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tạo điểm nhấn, đầu tư sâu cho du lịch nông thôn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO