Sửa đổi, bổ sung 4 nhóm chính sách
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, dự án Luật là cần thiết nhằm thể chế hoá các quan điểm, nghị quyết của Đảng về việc tăng cường các nguồn tín dụng chính sách cũng như quan tâm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm (trong và ngoài nước) cho các đối tượng yếu thế, đặc thù, nhất là lao động nghèo, lao động thuộc các vùng khó khăn; đồng thời, khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập của luật hiện hành.
Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật gồm: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm.
Trong đó, giữ nguyên tên gọi các nội dung so với Luật Việc làm 2013 gồm: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm; đổi tên nội dung “Tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm” thành “Dịch vụ việc làm”, “Thông tin thị trường lao động” thành “Hệ thống thông tin thị trường lao động”; bổ sung nội dung phát triển kỹ năng nghề và đổi tên “Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề” thành “Phát triển kỹ năng nghề”; bổ sung nội dung “Đăng ký lao động”.
Về nội dung, so với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung 4 nhóm chính sách gồm: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Tiếp tục làm rõ những vấn đề phát sinh trong tổ chức thực hiện
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Ủy ban Xã hội cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật và quan điểm xây dựng Luật được thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ.
Để việc sửa đổi Luật tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc xây dựng, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, Ủy ban Xã hội nhấn mạnh một số quan điểm sau: Việc sửa đổi Luật phải kế thừa, phát triển những quy định hiện hành, chỉ quy định trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, khắc phục cho được những khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật Việc làm hiện hành, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tiếp tục làm rõ những vấn đề phát sinh trong tổ chức thực hiện, nghiên cứu để quy định phù hợp với sự phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta; nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các quy định, làm rõ chính sách hỗ trợ phát triển các thị trường lao động đặc thù, nhất là phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động nữ, người cao tuổi , thị trường lao động trình độ cao.
Bảo đảm ngân sách cho các chính sách, chế độ có sử dụng ngân sách nhà nước; khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin, dự báo, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghiên cứu bổ sung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển việc làm bền vững, việc làm có giá trị cao để phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp trong phát triển, quản lý thành viên; kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin giữa người lao động làm việc cùng lĩnh vực và kết nối thông tin với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện chính sách sách, pháp luật việc làm nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ thúc đẩy kết nối tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề… cho người lao động là thành viên của mình và những người lao động khác nói chung;
Thông tin kịp thời, đầy đủ để người lao động, người sử dụng lao động, người dân và xã hội hiểu rõ các nội dung được sửa đổi Luật lần này. Đồng thời, tiếp tục tham vấn công chúng, lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp đối với các quy định sửa đổi để tạo sự đồng thuận cao.