Cần có đánh giá kỹ hơn về tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non
Góp ý vào dự án Luật Nhà giáo, các ĐBQH đều bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn hiện nay.
ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) đề nghị, cần đưa toàn bộ những vấn đề liên quan đến Luật Viên chức liên quan đến nhà giáo chuyển sang xem xét cho đồng bộ. Đồng thời, cần làm rõ khái niệm “nuôi dưỡng” tại điểm a, khoản 4, Điều 7 quy định về hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non.
Về tuổi nghỉ hưu sớm của giáo viên mầm non, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị, cần có đánh giá cụ thể, kỹ trên tổng thể và giao cho Chính phủ quy định theo lộ trình, nên điều chỉnh giữa các nghề trong ngành giáo dục.
Cũng liên quan đến nội dung này, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết, qua giám sát cho thấy, nhiều thầy cô có ý kiến nên mở rộng đối tượng nghỉ hưu sớm là giáo viên mầm non. Do đó, đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách là phù hợp đáp ứng với yêu cầu dạy và học.
Ngoài ra, theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, việc đánh giá và xếp loại giáo viên là một quá trình quan trọng, giúp xác định năng lực giảng dạy, hỗ trợ cho việc phát triển chuyên môn, đồng thời tạo điều kiện để khen thưởng hoặc kỷ luật một cách công bằng. Tuy nhiên, giáo viên có đặc thù nghề nghiệp riêng, với những yêu cầu về kỹ năng sư phạm, phẩm chất đạo đức và năng lực giảng dạy. Do đó, việc chỉ áp dụng quy định chung của Luật Viên chức có thể không phản ánh hết được những tiêu chí đặc thù này.
Đại biểu cho rằng, cần phải có quy định về việc sau khi đánh giá, giáo viên sẽ nhận được phản hồi cụ thể để để cải thiện, nâng cao năng lực chứ không đơn giản là nhận mức đánh giá mà không có hướng dẫn rõ ràng để phát triển. Bên cạnh đó, nội dung đánh giá giáo viên theo chuẩn nhà giáo do Chính phủ quy định hiện nay cũng còn thiếu tính chi tiết, cụ thể; phụ thuộc vào thành tích học sinh mà không xem xét các yếu tố khác (như xuất phát điểm, hoàn cảnh gia đình) có thể gây áp lực không cần thiết và không công bằng đối với giáo viên. Do đó, đại biểu đề nghị, trong dự thảo luật cần nghiên cứu và xem xét vấn đề này.
Thêm cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Một số đại biểu cũng đánh giá cao quy định về tuyển dụng nhà giáo tại Điều 16 của dự thảo. Trong đó, quy định đặt ra một số yêu cầu đáp ứng đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo khác với viên chức các ngành khác (nhà giáo công lập), khác với người lao động thuần túy (nhà giáo ngoài công lập). Đồng thời, có chính sách thu hút nhà giáo trong tuyển dụng.
Hiện nay, ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, để thu hút được thầy cô giỏi, có chuyên môn cao, là những sinh viên xuất sắc ở các trường là rất khó. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách để thu hút những người có năng lực, trình độ đến với địa phương còn khó khăn, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Dự thảo cũng quy định rõ những người không được đăng ký tuyển dụng, Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo; tuyển dụng đặc cách nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài. Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về nội dung tuyển dụng nhà giáo, điểm b, Khoản 1 Điều 16 quy định: Phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đặt câu hỏi, quy định như trên có làm hạn chế cơ hội tuyển dụng và gây thêm khó khăn cho việc tuyển dụng nhà giáo hay không? Nhất là trong bối cảnh, việc tuyển dụng giáo viên cấp học mầm non, phổ thông đang khó khăn do thiếu nguồn. Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ hoặc cụ thể hơn trong dự thảo về nội dung “thực hành sư phạm” để làm căn cứ hướng dẫn tại các văn bản dưới luật sau này.
Về vấn đề chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục quy định tại điểm b, Khoản 5 Điều 21 dự thảo Luật quy định “Trường hợp điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục thì được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong thời hạn tối đa 12 tháng”, một số đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo làm rõ hoặc gia tăng các nội dung quy định này. Bởi, thời gian bảo lưu chế độ, chính sách 12 tháng là chưa phù hợp, thiếu tính động viên đối với nhà giáo, nhất là những nhà giáo giỏi, có thâm niên công tác. Vì vậy việc bảo lưu chế độ nếu thấp nhất cũng nên quy định thời gian là 36 tháng.