Tạo cơ sở pháp lý cho hộ kinh doanh
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Song, do quy định về hình thức kinh doanh này ngay trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay tách thành một luật riêng vẫn còn có ý kiến khác nhau, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ trình hai phương án về vấn đề này ra Quốc hội.
Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp
Trước năm 2015, Bộ luật Dân sự của Việt Nam vẫn duy trì tư cách chủ thể của hộ gia đình và tổ hợp tác, độc lập với tư cách chủ thể của cá nhân và pháp nhân. Tuy nhiên, năm 2015, Quốc hội đã quyết định bỏ tư cách chủ thể của hộ gia đình và tổ hợp tác, chỉ còn duy trì tư cách chủ thể của cá nhân và pháp nhân theo Chương VI, từ Điều 101 đến Điều 104 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, hộ gia đình và tổ hợp tác sẽ được quy về các cá nhân và quan hệ đại diện giữa các cá nhân đó. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
Tại Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ cho rằng, nội dung về hộ kinh doanh trong dự thảo luật không mới. Ngay từ Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật này cũng sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.
Xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định. Khẳng định điều này, song Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là không phù hợp vì hộ kinh doanh chưa thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp. Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, Khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp hiện hành chỉ quy định hộ kinh doanh sử dụng 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật này mà chưa có quy định để điều chỉnh hộ kinh doanh tại Luật; đồng thời, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (Mục 2 Chương 2 về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa). Như vậy, xét về bản chất hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Cũng theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mới chỉ giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh và có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh. Trong khi đó, dự thảo Luật lại chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh.
Do số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất để điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể này, tương tự như các hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã. Theo đó, nên tách nội dung về hộ kinh doanh để quy định thành luật riêng.
![]() |
Không nên cưỡng ép
Giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua, 23.3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện đã có quy định pháp luật về hộ kinh doanh. Quy định tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chỉ làm rõ hơn, qua đó giúp bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả hơn cho hình thức kinh doanh này. “Bây giờ còn chưa thống nhất có nên làm luật này hay không, rồi bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu sẽ rất mất thời gian, có lẽ kéo dài mấy năm nữa”. Nêu vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, nếu cụ thể hóa và luật hóa về hộ kinh doanh trong lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp này sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế, nên cần làm ngay, không nhất thiết phải cầu toàn xây dựng một luật mới.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đặt vấn đề, hình thức kinh doanh theo hộ rất đa dạng, linh hoạt và có sự điều chỉnh liên tục, nếu đưa vào luật vừa “bó tay, bó chân”, vừa không phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. Vì thế, cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể để có thể điều chỉnh linh hoạt tùy theo mức độ hoạt động, sự đa dạng của hộ kinh doanh trong từng thời điểm. Với những chính sách doanh nghiệp đang được thụ hưởng, song hộ kinh doanh chưa được thụ thưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại gợi mở, cần bổ sung các quy định pháp luật hiện hành để sớm giúp mở rộng phạm vi áp dụng các chính sách này.
Tán thành với việc tạo cơ sở pháp lý cho hộ kinh doanh nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ, hộ kinh doanh về bản chất không phải là doanh nghiệp nên không phù hợp khi đưa vào điều chỉnh cùng với các loại hình doanh nghiệp khác. Trong khi đó, việc chưa đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cũng không gây ách tắc, cản trở hình thức kinh doanh này. Theo Chủ tịch Quốc hội, không nên cưỡng ép đưa nội dung này vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), thay vào đó cần xây dựng một luật về hộ kinh doanh trên cơ sở đánh giá tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật thời gian qua.
Do hiện còn có ý kiến khác nhau về việc quy định về hộ kinh doanh ngay tại dự án Luật này hay xây dựng một luật riêng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình hai phương án ra Quốc hội để thảo luận, quyết định tại Kỳ họp thứ Chín tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, mỗi phương án được đưa ra đều có lý lẽ thuyết phục, không nặng nhẹ bên nào, qua đó cung cấp đầy đủ thông tin cho ĐBQH khi quyết định về nội dung này.