Tạo cơ hội và tăng quyền cho phụ nữ

- Thứ Hai, 05/07/2021, 05:35 - Chia sẻ
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh nội dung về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, trong đó có yêu cầu về bình đẳng giới. Kế hoạch hành động Quốc gia về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng khẳng định, trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững và giải quyết những thách thức chính như đói nghèo, bất bình đẳng, bạo lực với phụ nữ và trẻ em... Những vấn đề này cần được quán triệt và cụ thể hóa trong Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV tới.

Tiếp nối thành tựu của giai đoạn trước

Giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội bền vững là những vấn đề tự thân đã mang tính tiến bộ giới, vì nó tạo cơ hội phát triển bình đẳng hơn giữa mọi người, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, vùng miền... Trong suốt thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng và dành nguồn lực lớn cho công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, được Liên Hợp Quốc và quốc tế công nhận, coi là điểm sáng, là hình mẫu cho việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo của thế giới. Những thành tựu đó đã chứa đựng những tiến bộ về bình đẳng giới vì trên thực tế, bình đẳng giới có mối quan hệ mật thiết với nạn đói nghèo: bất bình đẳng giới vừa là nguyên nhân, vừa là rào cản lớn đối với giảm nghèo nói riêng, phát triển nói chung. Chính vì vậy, Đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững (sau đây gọi tắt là Đề xuất chủ trương) đã là một chương trình, một giải pháp lớn để góp phần giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và cao hơn là thúc đẩy tiến bộ giới của Việt Nam.

Nội dung của Đề xuất chủ trương (được trình Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội thẩm tra) đã tiếp nối, phát huy kết quả và thành tựu của những giai đoạn trước đây trong lĩnh vực giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tránh được tình trạng ngắt rời, làm giảm hiệu quả của quá trình trước đây, đồng thời đã bám sát những chủ trương mới của Đảng ta tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, các chủ trương và quyết sách mới của Quốc hội, Chính phủ, những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 “chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; bảo đảm giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội”. Việc xác định 4 Dự án với 11 Tiểu Dự án đã bao quát được những nội dung cốt lõi của Chương trình, nếu thực hiện thành công sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, xã hội nói chung, đến thúc đẩy tiến bộ giới nói riêng.

Dù vậy, nếu nhìn khái quát, Đề xuất chủ trương còn ít (thậm chí rất ít) đề cập trực tiếp đến vấn đề giới, thúc đẩy tiến bộ giới. Trong toàn bộ văn bản, chỉ có 3 lần trực tiếp nói đến hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, đến giảm nghèo của phụ nữ; và trong 3 lần ít ỏi như vậy thì rất tiếc là lần thứ nhất (ở khoản a, mục 4, phần III) lại là nội dung giải trình về việc bỏ Tiểu dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em, hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự phát triển của Phụ nữ và trẻ em gái…), lần thứ hai (ở khoản b, mục 6, phần IV chỉ là mục tiêu về tỷ lệ làm việc nhà không được trả công là 1,4 lần phụ nữ so với nam giới và lần thứ ba (ở khoản đ, mục 1, phần V) cũng chỉ nói quá ngắn gọn là “tăng cường sự tham gia của Phụ nữ”. Như vậy, Đề xuất chủ trương chỉ có 2 lần trực tiếp nói về “sự tham gia của phụ nữ”.

Phụ nữ dân tộc thiểu số xã Phúc Sơn (tỉnh Tuyên Quang) phát triển vùng lạc hàng hóa góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Nguồn: ITN

“Giảm nghèo theo địa chỉ”

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh nội dung về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, trong đó có yêu cầu về bình đẳng giới. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII, ở mục 1, phần XII, nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”.

Một văn kiện như Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc mà đề cập rõ đến bình đẳng và tiến bộ giới, đến phụ nữ, vừa có những định hướng lớn, vừa có những nội dung cụ thể như phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... thì cơ quan xây dựng Đề xuất chủ trương càng phải nghiên cứu, thể hiện đậm nét tinh thần của Báo cáo Chính trị trong Đề xuất chủ trương. Đặc biệt, vấn đề thúc đẩy tiến bộ về bình đẳng giới phải là vấn đề có tính xuyên suốt, chứ không phải là “từng phần” cắt rời. Chỉ có cách tiếp cận như vậy mới tạo sự nhất quán, đồng bộ và bảo đảm hiệu quả.

Một trong những mục tiêu của Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là đạt được bình đẳng giới, vừa tăng quyền vừa tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái. Điều đó khẳng định, trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững và giải quyết những thách thức chính như đói nghèo, bất bình đẳng, bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, trong Đề xuất chủ trương cần nghiên cứu bổ sung những nội dung về trao quyền cho phụ nữ, từ đánh giá kết quả của giai đoạn trước đến những định hướng của giai đoạn 2021 - 2025: xác định đối tượng của Chương trình, vai trò của phụ nữ trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình, tập huấn cán bộ nữ, phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…

Với tinh thần quán triệt sâu sắc, cụ thể hơn nữa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và với tư duy coi vấn đề bình đẳng giới là vấn đề xuyên suốt, các Dự án và Tiểu dự án của Đề xuất chủ trương cũng cần bổ sung các nội dung về bình đẳng giới và phụ nữ. Nhất là các Tiểu dự án về Đa dạng sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo; Tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp; Tiểu dự án về Truyền thông và giảm nghèo thông tin; Tiểu dự án Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện giảm nghèo; Tiểu dự án về giáo dục nghề nghiệp; Tiểu dự án về đào tạo nghề cho đối tượng chính sách; Tiểu dự án về hỗ trợ đào tạo cho người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài... và ngay cả Dự án về Giám sát, đánh giá Chương trình.

Để giảm nghèo thực chất, có hiệu quả hơn thì nên thực hiện “giảm nghèo theo địa chỉ”, vì nguyên nhân nghèo ở mỗi “địa chỉ” có thể rất khác nhau mà nguyên nhân nghèo khác nhau thì biện pháp, nguồn lực... cũng khác nhau. “Địa chỉ” ở đây có thể là vùng, là huyện, là xã, đặc biệt là hộ gia đình. Từ cách đặt vấn đề như vậy, cần bổ sung những nội dung về giảm nghèo đối với các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Trên thực tế cũng như trong các văn bản về giảm nghèo của Đảng, Nhà nước ta đã đề cập đến khái niệm “lõi nghèo”. Ở các vùng này, do điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán... nên có thể nói phụ nữ và trẻ em gái là “lõi” của “lõi nghèo”. Ví dụ, một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn có chế độ “mẫu hệ”, bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa thì mặt trái của phong tục này là gánh nặng mưu sinh dồn hết lên vai người phụ nữ trong gia đình (có người mẹ trẻ, mới sinh con được 1 tháng đã đi làm thuê hàng ngày để nuôi gia đình, trong khi người chồng do vai trò phụ thuộc trong gia đình thì ở nhà bế con…). Vì vậy, Đề xuất chủ trương cần nghiên cứu có những nội dung về vấn đề này, nhằm nhanh chóng có những giải pháp hiệu quả để góp phần giải quyết tình trạng “lõi của lõi nghèo”, bảo đảm bình đẳng và tiến bộ giới được lan tỏa đến cả các vùng núi xa xôi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn.

Đỗ Mạnh Hùng Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội