Đó là ý kiến của ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) khi tham gia thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia tại phiên họp sáng nay, 7.11.
Tránh “tiền trảm, hậu tấu”
Theo dự thảo Luật, tại khoản 3 Điều 4 bổ sung điểm d vào khoản 5 Điều 19 của dự thảo sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước: “Đối với dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa được phân bổ chi tiết theo quy định điểm a,b,c khoản này, giao Chính phủ tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường Quốc hội về việc sử dụng và báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hoặc quyết định dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm”.
Cho rằng, việc bổ sung này chưa phù hợp, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu rõ, khoản 5 Điều 19 quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong quyết định phân bổ ngân sách Trung ương đối với từng hạng mục chi cụ thể. Trong khi đó, nội dung đề xuất bổ sung thực chất là các khoản chi phát sinh do Chính phủ chủ động thực hiện, vì vậy không thể bố trí vào các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
“Vấn đề này cần phải xem xét, cân nhắc kỹ. Bởi, các khoản chi phát sinh chưa rõ là khoản chi gì; việc quy định như trên có thể xảy ra tình trạng lạm dụng chi”, đại biểu chỉ rõ.
Tương tự, tại khoản 4 Điều 4 dự thảo Luật quy định về việc UBND tỉnh thực hiện các khoản chi không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, nhưng vẫn phải báo cáo với Thường trực HĐND về kết quả đã chi để trình HĐND tỉnh biểu quyết thông qua. Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, trong thực tế có thể phát sinh những khoản chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển ngoài dự toán ban đầu. Tuy nhiên, tất cả các khoản chi ngân sách nhà nước đều phải có trong hạng mục chi. Do đó, cần xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng “tiền trảm, hậu tấu” (Chính phủ/UBND tỉnh chi trước, sau đó mới báo với Quốc hội/HĐND thông qua).
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra các nguyên tắc, tiêu chí xác định các khoản chi phát sinh này, theo đó các khoản chi phải mang tính cấp thiết, cấp bách hoặc quan trọng.
Giảm gánh nặng về quy trình, thủ tục cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp
Tại khoản 3a Điều 71 dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) quy định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngoài các quy định tại khoản 3 điều này, chịu trách nhiệm ban hành chế độ kế toán hoặc các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh Ngân hàng thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm tuân thủ các chuẩn mực kế toán theo quy định trong luật này”…
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu quan điểm: Do đặc thù các TCTD không giống như các loại hình đơn vị khác, các TCTD thực hiện các quy trình giao dịch, thanh toán với khách hàng với các đặc điểm, đặc thù riêng. Ngoài các yêu cầu chung, ngân hàng có yêu cầu riêng đối với hệ thống kiểm soát, quy trình kiểm soát giao dịch, thanh toán...
“Trên thực tế, đang có một số vướng mắc liên quan đến chữ ký, mẫu chứng từ, lưu chuyển chứng từ… nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”, đại biểu nhấn mạnh.
Ví dụ, về thẩm quyền ký trên chứng từ kế toán, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ dẫn quy định khoản 3, Điều 19 Luật Kế toán hiện hành: “3. Chứng từ kế toán chi tiền phải do người có thẩm quyền duyệt chi và kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền ký trước khi thực hiện. Chữ ký trên chứng từ kế toán dùng để chi tiền phải ký theo từng liên.”
Về nội dung này, theo đại biểu. do đặc thù của các TCTD khác biệt so với các doanh nghiệp khác, trong đó TCTD cung cấp dịch vụ chuyển tiền thông qua việc thực hiện các lệnh chi tiền từ tài khoản theo yêu cầu của khách hàng. “Bản chất đây không phải giao dịch chi tiền của chính TCTD nên việc yêu cầu bắt buộc có chữ ký của người có thẩm quyền và kế toán trưởng của TCTD trên chứng từ chi tiền của khách hàng có thể không cần thiết, dẫn đến làm tăng khối lượng chứng từ lưu trữ và chi phí vận hành tại doanh nghiệp của khách hàng cũng như tại TCTD”.
Nêu vấn đề trên, đại biểu dẫn ví dụ: Chứng từ giao dịch gửi tiền của các khách hàng doanh nghiệp, giao dịch chi lương cho cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp thường phát sinh thường xuyên với khối lượng lớn… Do đó, cần có sự linh hoạt hơn trong quy định này, nhằm giảm bớt gánh nặng về quy trình, thủ tục cho các TCTD và các doanh nghiệp.
Trên cơ sở đồng tình bổ sung thẩm quyền ban hành chế độ kế toán cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý sẽ bám sát được thực tiễn hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý của lĩnh vực ngân hàng… song, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng bày tỏ băn khoăn với quy định này.
Theo đại biểu, hệ thống chế độ kế toán các TCTD đã được ban hành và áp dụng từ lâu (ví dụ như Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN về hệ thống tài khoản kế toán, QĐ số 16/2007/QĐ-NHNN về chế độ báo cáo tài chính, Thông tư số 49/2014/TT-NHNN, TT 27/2021/TT-NHNN sửa đổi một số điều tại Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN;…) thì việc bổ sung thẩm quyền cho Ngân hàng nhà nước có còn phù hợp?
Cũng theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang gặp khó khăn trong việc cung cấp hồ sơ Quyết định bổ nhiệm Kế toán trưởng/Người phụ trách kế toán…
Thực tế, một số doanh nghiệp thuê dịch vụ kế toán bên ngoài và hoàn toàn không có nhân sự phụ trách kế toán trong doanh nghiệp.
Hoặc, nhiều doanh nghiệp có nhân viên đang phụ trách hoạt động kế toán của doanh nghiệp tuy nhiên đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nhân sự kế toán này thường không ổn định - thường xuyên thay đổi (do chính sách nhân sự chưa hấp dẫn, chất lượng và độ gắn bó nhân sự không cao…) dẫn đến khó khăn và phiền hà khi thay đổi nhân viên liên tục, nhất là khi giao dịch với ngân hàng thì phải thường xuyên làm lại chứng từ.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu áp dụng chế độ kế toán đơn giản Chủ doanh nghiệp kiêm nhiệm chức danh Kế toán trưởng/ Người phụ trách kế toán ở mức doanh thu cao hơn quy định hiện hành.
Bởi theo quy định tại Điều 8, Chương 1 của Thông tư 132/2018/TT-BTC quy định các doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng. Song, tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2018 về quy định chi tiết một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ với mức tương đối thấp so với thực tiễn...
Ví dụ, doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia BHXH bình quân không quá 10 người/năm và tổng doanh thu không quá 3 tỷ đồng/năm hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Hay như với doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không qua 10 người/ năm và tổng doanh thu không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu rõ.