Hoạt động cứu trợ, từ thiện:

Tạo cơ chế thu hút, khuyến khích

- Chủ Nhật, 07/02/2021, 06:53 - Chia sẻ
Mặc dù đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố. Tuy vậy, sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định 64/2008/ NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã sớm bộc lộ những hạn chế bất cập: Chưa đáp ứng tình hình thực tiễn cũng như phù hợp với quy định của luật pháp chuyên ngành.

Chưa đáp ứng được thực tiễn

Năm 2020 được xem là một năm nhiều biến động với Việt Nam khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, thêm những thiên tai, dịch họa như đợt bão lũ miền Trung xảy ra gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đây cũng là lúc mà tinh thần truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam sáng hơn bao giờ hết. Chúng ta vô cùng xúc động khi chứng kiến hình ảnh cả thôn làng thức đêm gói chiếc bánh chưng chuyển đến vùng lũ, những đoàn thiện nguyện băng qua nước lũ đến từng hộ gia đình. Và, chúng ta vui mừng khi con số mà các cá nhân, tổ chức huy động được lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. 

 Về lâu về dài,  cần 1 khung pháp lý cho hoạt động nhân đạo, từ thiện
Về lâu về dài,  cần 1 khung pháp lý cho hoạt động nhân đạo, từ thiện

Một trong những thành quả kể trên phải kể đến sự góp công rất lớn của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14.5.2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố; đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. 

Tuy vậy, từ thực tế công tác làm thiện nguyện trong những năm qua, đặc biệt trong đợt bão lũ tại miền Trung vào cuối năm 2020 cũng cho thấy, Nghị định 64/2008/NĐ-CP trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định 64/2008/ NĐ-CP chưa đáp ứng tình hình thực tiễn cũng như phù hợp với quy định của luật pháp liên quan. Đặc biệt còn hạn chế trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội để họ tham gia tích cực hơn nữa, chủ động trong các hoạt động thiện nguyện.

Dẫn chứng về những vướng mắc, nhà báo Hoàng Thiên Nga - người có trên 30 năm làm công tác thiện nguyện - nêu thực tế: “Những lúc ngặt nghèo, khẩn cấp, khi các cơ quan nhà nước theo quy trình chưa kịp trở tay, những cá nhân, tổ chức cộng đồng chính là đội ngũ phản ứng nhanh, hiệu quả, đi đầu. Điều đó rất tốt, nhưng chiếu theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP thì họ lại sai”. Bởi, ngoài các tổ chức Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Minh bạch khi làm từ thiện

Khi được hỏi về nguyện vọng để việc tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ đạt hiệu quả khi chẳng may địa phương xảy ra sự cố, Chủ tịch UBND xã Đăk Liêng, huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk Ma Văn Hoàn bày tỏ: “Ở đâu đoàn công tác thiện nguyện đến từ chối chứ ở chỗ chúng tôi không chối bao giờ. Chỗ chúng tôi khó khăn, ngân sách của xã chưa đủ, nhiều khi có các vấn đề khẩn cấp, phải theo quy trình đề xuất cần thời gian; với phương châm ưu tiên bà con hàng đầu, bảo đảm nhu cầu của cộng đồng cấp bách thì sự hỗ trợ nhanh chóng của các đoàn cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng rất cần thiết”.

Tháng 10.2020, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Dẫu vậy, đi từ thực tiễn và nhu cầu của công tác thiện nguyện, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng chia sẻ, bức tranh rộng lớn hơn về xu hướng và hệ sinh thái cho từ thiện phát triển tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển. Ông Dũng cho biết: “Chúng ta đang thực sự thiếu một hệ thống pháp lý thúc đẩy từ thiện. Công tác hỗ trợ từ thiện nơi dễ nơi khó bởi đang phụ thuộc vào quan điểm, nhân cách của lãnh đạo địa phương, phụ thuộc vào cá nhân. Bên cạnh đó, thiếu một thể chế, một hệ quan điểm thống nhất trong việc thúc đẩy, khuyến khích làm từ thiện". Từ thực tế này, ông Dũng đề xuất, nên bỏ đi thủ tục có tính chất cho hay không cho, mà quy định hướng dẫn cách thức, phương pháp làm điều phối công tác từ thiện thế nào cho hiệu quả, minh bạch giải trình. Tùy từng trường hợp, hoàn cảnh, địa phương mà lựa chọn cá nhân, tổ chức đứng ra điều phối công tác từ thiện.

Phân tích cụ thể về những đề xuất tại Dự thảo Nghị định 64/2008 sửa đổi, ông Nguyễn Tiến Lập, Công ty Luật NHQuang và cộng sự nêu rõ: "Sửa đổi Nghị định 64/2008 là cần thiết. Về lâu dài, chúng ta cần một văn bản pháp lý cao hơn bao quát cả hoạt động thiện nguyện thường xuyên cho các nhóm yếu thế. Trong đó, đề cập đến hoạt động phi lợi nhuận khác trong mọi lĩnh vực, bảo đảm khẳng định quyền dân sự chính đáng của tổ chức, cá nhân trong mưu cầu hạnh phúc, bảo đảm đời sống, phát triển cộng đồng và giải quyết các vấn đề xã hội".

Đồng tình với ý kiến trên, nhà báo Hoàng Thiên Nga cũng cho rằng: Tôi đồng ý việc từ thiện cũng cần quy trình, hướng dẫn để tránh tình trạng cá nhân hay cộng đồng trục lợi. Trong thời đại 4.0, nếu có hướng dẫn cụ thể, chuẩn xác, minh bạch khi làm từ thiện, thì chính cộng đồng xã hội sẽ là lực lượng giám sát hiệu quả, với trách nhiệm hỗ trợ giám sát của các tổ chức, cơ quan liên quan. 

Bài và ảnh: Hải Thanh