Tạo cơ chế, môi trường cho điện ảnh Việt Nam phát triển

- Thứ Tư, 09/06/2021, 15:13 - Chia sẻ
Sáng 9.6, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì tọa đàm.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh chủ trì tọa đàm

Theo các chuyên gia dự tọa đàm, Luật Điện ảnh năm 2006 là văn bản pháp lý quan trọng, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến tổ chức và hoạt động điện ảnh; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội hiện tại, hội nhập quốc tế và sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ, Luật Điện ảnh hiện hành có nhiều quy định không theo kịp sự phát triển mang tính bước ngoặt của ngành công nghiệp điện ảnh, gây khó khăn cho công tác quản lý, chưa thúc đẩy điện ảnh trong nước phát triển. Bởi vậy, sửa đổi Luật Điện ảnh ở thời điểm này là rất quan trọng.

Với doanh thu phòng vé tăng nhanh những năm vừa qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng điện ảnh cao nhất thế giới. Từ năm 2000, thị trường điện ảnh chỉ có giá trị 2 triệu USD, đến năm 2019, thị trường đã tăng lên 176 triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định: Trong nhiều năm, thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh, nhưng chưa phải là thị trường điện ảnh lành mạnh và bền vững, vì hơn 70% doanh thu thị trường điện ảnh đến từ phim nhập, doanh thu từ phim trong nước chiếm dưới 30%. Việc khiếu kiện, kiến nghị thường xuyên kéo dài giữa hàng chục doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam với doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài vẫn diễn ra... Do vậy, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có cơ chế điều chỉnh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, phát hành phim Việt Nam thực sự phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện ảnh ở thời điểm hiện nay là rất quan trọng
Toàn cảnh tọa đàm

Các ý kiến tại tọa đàm cũng tập trung thảo luận các chính sách của nhà nước để hỗ trợ phát triển công nghiệp điện ảnh, tăng nội lực phim Việt; việc cấp phép, phân loại và phổ biến phim với các hình thức, phương tiện khác nhau; việc quảng bá và Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh... Các thành viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, Luật được ban hành cần tháo gỡ các vấn đề của ngành điện ảnh hiện tại và tương lai, tạo cơ chế, tác động mạnh mẽ, góp phần phát triển một trong những ngành quan trọng của công nghiệp văn hóa.

Từ ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh cần làm rõ vai trò của nhà nước, thúc đẩy xã hội hóa ở những mảng nào; đồng thời quy định rõ chủ thể thực hiện, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương... cũng như cơ chế phối hợp để khi Luật được thông qua và đi vào cuộc sống sẽ dễ dàng thực hiện, có hiệu quả cao nhất.

Ng. Phương