Tạo cơ chế khuyến khích nhiều thành phần tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo
Ngày mai, 6/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là dự luật được đánh giá đã có nhiều quy định mang tính đột phá, “cởi trói” cho doanh nghiệp và các viện nghiên cứu có thể tham gia mạnh mẽ vào quá trình nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu.
Chủ tịch Viện Công nghệ Vin IT, Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Điện Liên bang Nga GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng, những đổi mới, chính sách vượt trội trong dự án Luật này sẽ tạo trụ cột vững chắc để khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thưa ông, là người trực tiếp đang thực hiện các dự án khoa học và thương mại hoá sản phẩm khoa hoc, công nghệ tại cả thị trường Việt Nam và quốc tế, ông thấy rằng các quy định trong dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lần này có thực sự “cởi trói”, tháo gỡ được những nút thắt, khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư khoa học, công nghệ hay chưa?
GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ: Dự án Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong dự luật quan trọng bởi không chỉ thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị mà còn thể hiện sự sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thực tế. Thực tế, chúng ta cần phải phát triển kinh tế đất nước bằng khoa học, công nghệ. Điều này cũng cho thấy chúng ta cần những khoản đầu tư lớn, xã hội hóa để thu hút các nhà đầu tư cho các chương trình nghiên cứu. Từ nhiêu năm nay, đây là một điểm nghẽn. Chúng ta biết rằng, đầu tư cho khoa học công nghệ cần rất nhiều nguồn lực và nếu chỉ mình Nhà nước đầu tư thì không đủ.
Thế nên, khi xem xét dự thảo Luật này, tôi rất vui mừng, khi nhiều điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ. Ví dụ, về đầu tư thông thoáng hơn rất nhiều, tạo điều kiện hơn để doanh nghiệp có thể đầu tư vào khoa học, công nghệ, cả doanh nghiệp trong nước và ngoài nước như miễn thuế đất. Các ưu đãi về thuế đều đã thoáng hơn, tạo nguồn lực lớn về đầu tư cho khoa học, công nghệ.
Một điểm đổi mới nữa tôi thấy những tiến bộ hơn là dự thảo Luật lần này không quy trách nhiệm về nghiên cứu cho nhà khoa học khi các công trình nghiên cứu khoa học có thể không thành công. Chúng ta biết là nghiên cứu khoa học có thể thành công và cũng có thể không thành công mà phần nhiều có thể nói là không thành công nhưng khi thành công thì thành quả là rất lớn. Vì vậy sự không thành công đấy, chúng ta cần coi đó không chỉ là rủi ro mà là một sự đầu tư. Với những quy định mang tính đổi mới đột phá sát thực tế hơn, đã tạo niềm tin và thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Tôi cho rằng, lần này chúng ta đã làm hết sức nghiêm túc. Tôi tin rằng, với quyết tâm, sự cầu thị và chuẩn bị tốt, tới đây đất nước sẽ có những chuyển biến rất tích cực về khoa học, công nghệ.
Thưa ông, quy định về việc mở rộng các chủ thể tham gia đầu tư nghiên cứu cho khoa học, công nghệ để thể chế hóa Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia lần này có thực sự khuyến khích được cả doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư dự án khoa học, công nghệ tại Việt Nam hay không?
GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ: Chúng ta có thể thấy rằng, việc xây dựng Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lần này có sự tham gia nhiều thành phần khác nhau, không chỉ giới khoa học, không chỉ doanh nghiệp, mà doanh nghiệp ngoài nước cũng có thể tham gia đầu tư vào khoa học, công nghệ. Một trong hình thức đầu tư phải kể đến hình thức đối tác công tư PPP. Có thể nói rằng trên thực tế, hình thức hợp tác công tư PPP chúng ta thực hiện chưa nhiều, chưa được hiệu quả. Nhưng với những quy định trong dự thảo Luật này, hình thức PPP đã được mở rộng. Vì vậy nhiều đơn vị, nhiều thành phần có thể tham gia, hợp tác và nâng tầm nghiên cứu về khoa học, công nghệ. Bởi Việt Nam có vị thế địa chính trị vô cùng quan trọng không chỉ trong khu vực mà trên thế giới khi chúng ta xác định lấy khoa học công nghệ làm mũi nhọn, nền tảng để phát triển đất nước. Đây là cơ hội rất lớn mở cánh cửa hợp tác quốc tế để phát triển khoa học công nghệ. Đất nước nào cũng cần hợp tác quốc tế và với Việt Nam càng cần hơn nữa, chúng ta cần công nghệ, chúng ta cần tài chính, chúng ta cần hệ thống quản trị khoa học công nghệ hiệu quả để triển khai các dự án. Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư trên khắp thế giới cũng đón nhận Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với tinh thần hết sức tích cực. Điều này sẽ tạo một hiệu ứng mới để khoa học, công nghệ có thể cất cánh.

Thưa ông, trong dự thảo Luật lần này có quy định một số chính sách thúc đẩy sự hình thành của các trung tâm điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu quốc gia. Vậy, những chính sách này có tầm quan trọng thế nào để huy động sự vào cuộc của các thành phần doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số và nghiên cứu ứng dụng đổi mới công nghệ?
GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ: Chuyển đổi số là một chương trình có ý nghĩa rất lớn, nó nằm trong sự phát triển toàn diện về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia và tất nhiên chúng ta cần trung tâm dữ liệu lớn, không chỉ để xử lý dữ liệu mà còn biến các nguồn dữ liệu đó thành tài nguyên của quốc gia. Tôi biết chúng ta đang có một loạt các dự án kêu gọi đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực để xây dựng trung tâm dữ liệu lớn. Đây là yếu tố hấp dẫn để thu hút đầu tư lớn về khoa học, công nghệ một cách mạnh mẽ và hiệu quả. Điều quan trọng là nguồn dữ liệu đó phải được tổ chức quản trị rất khoa học để trở thành nguồn tài nguyên quốc gia. Điều này vô cùng quan trọng. Chúng ta đi sau vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm nhưng đây cũng là lợi thế vì có thể học hỏi được từ các nước đi trước, trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phát triển về năng lượng, các trung tâm dữ liệu đó cần không chỉ một nguồn năng lượng lớn mà còn cần một nguồn năng lượng xanh và sạch. Trung tâm dữ liệu kết hợp với đường truyền cáp quang công suất lớn và sự hợp tác quốc tế có thể biến Việt Nam thành trung tâm phát triển về dữ liệu của khu vực và thế giới. Với lợi thế này, chúng ta sẽ trở thành địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư về khoa học công nghệ, về tài chính, đưa Việt Nam phát triển nhanh chóng.
Xin cảm ơn ông!