Tạo cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức có thành tích cao

- Thứ Tư, 09/10/2019, 08:02 - Chia sẻ
Cần xác định vị trí việc làm và bố trí cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Quá trình công tác, công chức đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm cao hơn thì có thể xét không cần qua thi, tạo cơ chế khuyến khích, động viên những cán bộ, công chức có thành tích cao trong chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với đó, có chính sách thu hút người có tài làm việc tại các cơ quan nhà nước. Đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, nên chọn phương án ký hợp đồng xác định thời hạn để người lao động có động lực hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Đó là những kiến nghị đáng lưu ý tại buổi lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức do Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tổ chức.

Tạo điều kiện thu hút người có năng lực

Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Nguyễn Thị Liễu cho rằng: Đối với phương thức tuyển dụng công chức được quy định tại khoản c, Điều 37, việc thêm quy định sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ rất cần thiết để thu hút được người có tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Về việc nâng ngạch công chức được quy định tại Điều 44, bên cạnh hình thức thi tuyển đã được quy định trong luật trước đây, Dự thảo lần này bổ sung việc xét tuyển nâng ngạch công chức là hoàn toàn phù hợp. Đại biểu cho rằng, cần xác định vị trí việc làm và bố trí cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Quá trình công tác, công chức đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm cao hơn thì có thể xét không cần qua thi. Với quy định này sẽ tạo cơ chế khuyến khích, động viên những cán bộ, công chức có thành tích cao trong chuyên môn, nghiệp vụ. 


Toàn cảnh buổi lấy ý kiến luật Ảnh: Khánh Duy

 Đối với việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, Đại diện Hội Luật gia thành phố, đại biểu Đỗ Minh Sơn cho rằng: Xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức được quy định tại Điều 79, trước đây có hình thức kỷ luật giáng chức nhưng hiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức không được đưa vào. Nên được sử dụng lại vì hình thức kỷ luật này có sức răn đe rất lớn. Liên quan đến Khoản 5, Điều 84, đại biểu nhất trí cao với việc bổ sung xử lý kỷ luật đối với trường hợp đã thôi việc, hoặc nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật đối với những trường hợp này là trình tự rất phức tạp. Vì vậy, nên tách khoản 5 của điều này thành một điều độc lập và cần được quy định cụ thể với đầy đủ nội dung liên quan.

Tán thành đề nghị cần có chính sách thu hút người tài làm việc tại các cơ quan nhà nước, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương nhấn mạnh thêm: Nên có quy định rõ thế nào là người có tài năng trong Dự thảo Luật, qua đó tạo cơ sở cho Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết. Dẫn chứng cho vấn đề này, theo đại biểu trong năm 2013, thành phố Hà Nội cũng đã có Nghị quyết riêng về chính sách thu hút người có tài năng. Qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố cho thấy, việc triển khai thực hiện tốt đã giúp thu hút được người có tài làm việc tại cơ quan nhà nước trên địa bàn.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Phương Ngọc Ánh cho rằng: Hiện nay, việc thực hiện luân chuyển cán bộ, công chức cấp xã gặp rất nhiều khó khăn, đơn cử như công chức cấp xã, phường chuyển lên quận hầu như không được, phải xem xét thông qua thi tuyển. Phó Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ cho rằng: Trong Dự thảo luật lần này cần có điều riêng quy định cụ thể với công chức cấp xã để thống nhất trong hệ thống chính trị, giúp cho việc luân chuyển được dễ dàng hơn.

Cùng quan điểm, theo Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương: Cần bổ sung việc quy định công chức cấp xã trong Dự thảo Luật để có cơ chế, chính sách có tính liên thông nhằm bảo đảm sự bình đẳng, nhất quán. Vì theo đại biểu, công chức cấp xã là những người gần dân nhất, trực tiếp làm việc với người dân với khối lượng công việc lớn, cần được quan tâm hơn nữa để động viên, khuyến khích họ làm việc.

Để người lao động có động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ

Đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu nêu quan điểm: Đối với các loại hợp đồng làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Điều 25, nên chọn phương án 2. Theo đó, người lao động sau khi hết thời gian tập sự sẽ được ký hợp đồng xác định thời hạn tùy theo tính chất công việc từ 12 - 36 tháng. Nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao sẽ được ký tiếp, để nếu viên chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm có thể chấm dứt hợp đồng lao động, đưa ra khỏi bộ máy. Qua đó, bảo đảm quyền của Thủ trưởng đơn vị, tăng tính cạnh tranh và để người lao động có động lực hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Minh chứng cho góp ý này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu dẫn thực tế hiện nay trên địa bàn thành phố các quận, huyện đang thực hiện việc ký hợp đồng có xác định thời hạn đối với người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập rất tốt; đồng thời, có cơ chế trả lương, thưởng để thu hút người có trình độ, năng lực vào làm việc. Vì vậy, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Trừ những trường hợp vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có thể sử dụng hợp đồng không xác định thời hạn, còn lại là hợp đồng có thời hạn để thống nhất trong quản lý, sử dụng người lao động.

KHÁNH DUY