QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù hơn để hợp tác xã có thể cạnh tranh, tồn tại và phát triển

- Thứ Tư, 20/06/2012, 08:46 - Chia sẻ
Hợp tác xã bao gồm những ai? Đó là những nông dân cá thể tự sản xuất không phát triển được, là những người làm dịch vụ nhỏ lấy công làm lãi, những người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp... Đây là thành phần yếu thế trong xã hội và không thể tự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Với cách tiếp cận như vậy, nhiều ĐBQH cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Hợp tác xã này, Nhà nước cần tạo cơ chế và chính sách đặc thù hơn để bù vào phần yếu thế này, tạo điều kiện để các hợp tác xã cạnh tranh, tồn tại và phát triển.
 
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh): Luật cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng về tiêu chí ràng buộc đối với các đối tượng tham gia thành lập hợp tác xã

Nhìn ra các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước có ngành công nghiệp phát triển thì phong trào hợp tác xã phát triển rất mạnh. Ở những nơi đó hợp tác xã hợp thành một khu vực kinh tế rất quan trọng bên cạnh hai khu vực kinh tế khác là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước. Ba khu vực này gắn kết chặt chẽ với nhau. Cụ thể, khu vực kinh tế nhà nước tạo ra hàng hóa, dịch vụ chung quan trọng và cải tạo điều kiện sống của nhân dân. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân tạo ra hàng hóa dịch vụ chung của cá nhân với mục đích tối đa hóa lợi ích cá nhân. Còn khu vực kinh tế hợp tác xã tạo ra hàng hóa dịch vụ chung với mục đích tạo phúc lợi cho các thành viên, phù hợp với mục tiêu của tổ chức hợp tác xã. Chính vì thế, hợp tác xã là một thể chế bổ sung trong nền kinh tế thị trường, là khu vực thứ ba không thể thiếu để bảo đảm cho xã hội phát triển hài hòa, bền vững cả về kinh tế và chính trị xã hội.

Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, tôi thống nhất với các khoản được nêu trong Điều 7 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo cách đặt vấn đề về bản chất của hợp tác xã (quy định tại Điều 4) thì tổ chức hợp tác xã thường thu hút những đối tượng tham gia là người yếu thế hơn trong xã hội và trong nền kinh tế thị trường, họ liên kết lại, hợp tác với nhau cùng sản xuất, kinh doanh tạo việc làm. Do vậy, theo quy định của dự thảo Luật, đề nghị Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi đặc biệt hơn, cơ chế đặc thù hơn so với chính sách ưu đãi đối với loại hình doanh nghiệp.

Nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn là một lợi thế so sánh so với các nước trong khu vực và trên thế giới để phát huy thế mạnh các mặt hàng nông sản của Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tôi đề nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách tài chính rõ ràng và các chính sách đặc biệt ưu đãi khác cho loại hình hợp tác xã nông nghiệp như: hỗ trợ đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây giống, con giống chất lượng cao, hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ quản lý, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế VAT bảo lãnh tín dụng cho nông dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cho vay với lãi suất thấp. Đặc biệt là có chính sách cấp thẻ tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các hộ nông dân là xã viên của hợp tác xã. Giá trị các thẻ tín dụng đó có thể bằng với giá trị của nông sản họ làm ra trong cùng kỳ của năm đó.

Để các hợp tác xã có thị trường đầu ra ổn định trong điều kiện chưa thể xuất khẩu trực tiếp được, Chính phủ cần có các chương trình hỗ trợ cụ thể khi giá nông sản thế giới sụt giảm giống như thời điểm hiện nay để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trụ vững trên thị trường. Thông qua các doanh nghiệp này, hợp tác xã nông nghiệp sẽ tiêu thụ sản phẩm tốt hơn và phát triển bền vững hơn. Nhưng vấn đề đặt ra là phải bảo đảm những người gia nhập hợp tác xã phải là những người yếu thế như quan điểm của dự thảo Luật, không tồn tại những trường hợp thành viên của hợp tác xã lũng đoạn, trá hình, doanh nghiệp tư nhân núp bóng hợp tác xã để hưởng ưu đãi của Nhà nước. Do đó tôi đề nghị, luật cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng về tiêu chí ràng buộc đối với các đối tượng tham gia thành lập hợp tác xã. Có như vậy, những người yếu thế mới hợp tác lại với nhau, cùng chung sức khai thác những lợi ích sử dụng được những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất; đồng thời hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước để phát triển bền vững.

ĐBQH Đinh Thị Phương Khanh (Long An): Chỉ nên quy định những vấn đề cốt lõi, cơ bản không làm thay xã viên, làm thay hợp tác xã

Bản chất hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ do thành viên lập ra nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi ích cho từng thành viên trên cơ sở hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong việc đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên về sản phẩm dịch vụ hoặc tạo việc làm nâng cao thu nhập cho các thành viên một cách hiệu quả hơn so với việc để từng thành viên đơn lẻ thì không thực hiện được hoặc thực hiện kém hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường. Do vậy, để phát huy được bản chất này, tôi đề nghị dự án Luật chỉ nên quy định những vấn đề cốt lõi, cơ bản không làm thay xã viên, làm thay hợp tác xã.

Về tài sản không chia cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định tại Điều 51, tôi thống nhất quan điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cần phải có tài sản không chia nhằm tạo ra sự phát triển bền vững của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tăng cường sự liên kết giữa các thành viên. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật quy định về tài sản chung không chia bao gồm tài sản được hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ Nhà nước, tài sản được cho, biếu, tặng, tài sản tích lũy trong quá trình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Trong trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể thì phần tài sản chung không chia do Đại hội thành viên quyết định chuyển giao cho chính quyền địa phương hoặc tổ chức phi lợi nhuận quản lý, sử dụng để phục vụ mục đích chung của cộng đồng tại địa phương hoặc chuyển giao cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khai thác quản lý sử dụng vì mục tiêu phát triển phong trào hợp tác xã. Về nguyên tắc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải có tài sản chung không chia trong quá trình hoạt động nhưng cần phải quy định rõ gồm những loại tài sản nào, thuộc nguồn vốn nào? Thực tế cho thấy, có những khối tài sản chung được hình thành do tích lũy mà không chia được. Ví dụ: công trình, dịch vụ sản xuất nông nghiệp, kênh mương, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ chung cho cộng đồng dân cư, nhưng cũng còn rất nhiều loại tài sản chung của hợp tác xã được hình thành từ vốn góp của xã viên và các nguồn vốn phát triển sản xuất do hợp tác xã tích lũy như: nhà xưởng, trụ sở, máy móc, thiết bị - những tài sản này thuộc sở hữu xã viên và được sử dụng phân chia sẽ do Điều lệ hợp tác xã quy định. Việc đánh đồng tất cả các tài sản chung không chia, trong đó có phần công sức đóng góp của các thành viên thì sẽ không khuyến khích các hợp tác xã trong quá trình hoạt động tiết kiệm để tích lũy tái đầu tư vào cơ sở vật chất.

Trong quy định tại Khoản 2, Điều 51, chỉ làm rõ nguồn vốn của tài sản chung không chia mà chưa quy định tài sản chung không chia gồm những loại hình nào. Vì quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến một số bất cập, về mặt pháp lý sẽ có các hậu quả, gây tâm lý hoang mang không an tâm đối với hợp tác xã, xã viên, đặc biệt đối với các hợp tác xã hoạt động hiệu quả có được trụ sở, cơ sở vật chất lớn tích lũy từ nhiều năm qua; và cũng có thể các hợp tác xã sẽ tìm cách lách luật như giải thể tự nguyện trước khi luật mới này được áp dụng. Hợp tác xã sẽ không có động lực để trích lập các quỹ tiền cấp, chia cổ tức càng nhiều, càng tốt, vì trích lập vào quỹ không chia là mất quyền sở hữu trên thực tế. Do đó, tôi kiến nghị cần xem xét lại Điểm c, Khoản 2, Điều 51. Đồng thời nên tiếp thu Khoản 3, Điều 35 của Luật Hợp tác xã năm 2003 về tài sản của hợp tác xã để bổ sung thêm cho rõ hơn trong Luật các loại tài sản chung không chia, sau này sẽ không phải hướng dẫn ở các văn bản dưới luật.

 
ĐBQH Đinh Huy Chiến (Thái Nguyên): Hợp tác xã khác biệt so với doanh nghiệp, nhưng việc không xác định hợp tác xã là doanh nghiệp... lại đưa hợp tác xã về gần hơn với tổ chức xã hội

Về bản chất hợp tác xã, đây là vấn đề đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Tôi cho rằng, giữa hợp tác xã và doanh nghiệp có sự khác biệt. Sự khác biệt đó không chỉ ở chỗ quyền quyết định trong đại hội xã viên mỗi người một phiếu bầu, mà còn khác biệt ở mục đích thành lập, các nguyên tắc hoạt động, quyền và nghĩa vụ của xã viên đối với hợp tác xã và quy định về quản lý phân phối. Sự khác biệt đó làm nên bản chất của hợp tác xã và giá trị to lớn của hợp tác xã. Tuy nhiên, hợp tác xã khác biệt so với doanh nghiệp nhưng việc không xác định hợp tác xã là doanh nghiệp lại tác động rất lớn đến tư duy kinh tế của hợp tác xã, đưa hợp tác xã về gần hơn với tổ chức xã hội, mất đi động lực phát triển theo chiều sâu, cuối cùng chất lượng phục vụ của thành viên không được nâng cao.

Liên minh hợp tác xã quốc tế định nghĩa về hợp tác xã như sau: Hợp tác xã là một tổ chức tự chủ do các cá nhân tự nguyện liên kết với nhau, nhằm thỏa mãn nguyện vọng và nhu cầu chung về kinh tế - xã hội và văn hóa thông qua việc hình thành doanh nghiệp do tập thể đồng sở hữu và quản lý dân chủ.

Luật Hợp tác xã năm 2003 hiện hành cũng xác định rõ hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, luật được thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về kinh tế tập thể. Theo quy định tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2005, hợp tác xã có đầy đủ các tính chất, các thành tố của một doanh nghiệp. Đó là tài sản riêng, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ngoài việc đáp ứng tốt nhu cầu của thành viên hợp tác xã cũng như doanh nghiệp phải có tư duy kinh tế, phải tận dụng tối đa các nguồn lực của mình để phục vụ cộng đồng. Do vậy, nếu nhấn mạnh đến mục tiêu thành viên mà quên đi mục tiêu của một tổ chức kinh tế là phải kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận cao là không đầy đủ, thiếu tính thuyết phục. Bất kỳ hợp tác xã nào không chú ý đến hiệu quả kinh doanh thì không nâng cao được chất lượng phục vụ thành viên. Tôi đề nghị xem xét và quy định rõ trong Điều 4 dự thảo xác định hợp tác xã là doanh nghiệp tập thể hoặc doanh nghiệp đặc thù.

Nguyễn Vũ ghi; Ảnh: T.Bình, L.Hiển, Q. Khánh