Phát triển hợp tác xã nông nghiệp:

Tạo bứt phá, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Khu vực kinh tế tập thể ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây có sự bứt phá mạnh, đặc biệt là các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã thay đổi cả về lượng và chất. Qua đó, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm tựa để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Được thành lập từ năm 2017, HTX Nông nghiệp - Thương Mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 tại xóm Phú Nam Mới, xã Phú Đô (Phú Lương) đã phát triển được 14 thành viên, trong đó có 1 cán bộ là Phó Chủ tịch UBND xã, 1 kỹ sư nông nghiệp và 1 cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện. HTX có 15ha chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có một phần không nhỏ là liên kết với các hộ dân trong xóm; 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Giá chè trung bình của đơn vị đạt khoảng 300 - 400 nghìn đồng/kg. HTX đang tạo việc làm cho 11 lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Lương, thành viên HTX cho biết, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành chức năng và đón nhận hỗ trợ từ Dự án Saemaul Hàn Quốc đã giúp rất nhiều cho sự phát triển toàn diện về đời sống. HTX đang sản xuất 7 sản phẩm chủ yếu là trà đinh, trà tôm nõn đặc biệt, trà tôm nõn đặc sản, Kim Ngọc trà, trà móc câu đặc biệt, trà móc câu đặc sản, trà xanh đặc sản. Nhờ tập trung phát triển cây chè, thu nhập của các thành viên và hộ liên kết được cải thiện rõ rệt. Từ đó, có điều kiện đóng góp vào việc chung của địa phương, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Bứt phá, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân -0
Nhờ phát triển cây chè, thu nhập của thành viên HTX huyện Phú Lương cải thiện rõ rệt. Ảnh: ITN

HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương (xã Ôn Lương) đã thành công đưa gạo nếp vải trở thành sản phẩm đặc sản, chủ lực đại diện cho địa phương. HTX cũng được Nhà nước hỗ trợ thông qua nhiều chính sách khuyến nông như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn khoa học - kỹ thuật kết hợp tham quan, trải nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh.

Mỗi năm, các hộ dân và thành viên HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương còn được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng tiền bao bì sản phẩm, kinh phí làm đường bê tông nội đồng, cải tạo hệ thống tưới tiêu. Hiện nay, HTX có một số sản phẩm chính như cốm, rượu cốm, rượu đòng nếp, cơm cháy, cơm lam, qua đó giá trị tăng gấp 2 - 3 lần so với bán gạo nếp truyền thống.

Phó Giám đốc HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương Nguyễn Xuân Huế chia sẻ, việc thành lập HTX với mục đích để cùng sản xuất, cùng mua phân bón, vật tư nông nghiệp với giá ưu đãi. Sau này, HTX được ngành chức năng tỉnh, huyện và địa phương quan tâm, hướng dẫn xây dựng thành công sản phẩm OCOP, tạo điều kiện tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hàng hóa tiêu thụ dễ dàng, thuận lợi hơn trước, nhờ đó tăng thu nhập cho người nông dân.

Được biết, huyện Phú Lương hiện có 76 HTX nông nghiệp, tạo việc làm ổn định cho trên 500 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi (gia cầm, lợn), sản xuất kinh doanh chè, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Gắn với nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, quá trình củng cố, phát triển các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương đang diễn ra mạnh mẽ. Đến nay, huyện đã có 28 sản phẩm OCOP (đứng thứ 4 toàn tỉnh), trong đó có 11 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, còn lại là 3 sao.

Để tiếp sức cho các HTX, từ năm 2023 đến nay, huyện Phú Lương đã hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi gà Tiên Yên của 2 HTX; mở các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm cho thành viên và người lao động của HTX tại UBND huyện và hàng chục lớp giảng dạy tại ngay UBND các xã; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ cho các HTX có sản phẩm thực hiện OCOP; hỗ trợ kết nối cung - cầu cho các sản phẩm thế mạnh, sức cạnh tranh cao…

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Lương Nguyễn Thị Thu Trang, những năm qua, hoạt động của các HTX nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, số lượng và chất lượng HTX ngày càng tăng, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường; khẳng định vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế và từng bước nâng cao mức sống của thành viên.

Hoạt động của HTX đã giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động nông thôn, từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới.

Với hỗ trợ các HTX tiếp tục xây dựng các sản phẩm OCOP, huyện Phú Lương tới đây sẽ quan tâm đầu tư hỗ trợ các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, bền vững, tạo ra các sản phẩm an toàn, có sức cạnh tranh, đem về hiệu quả kinh tế cao.

Xã hội

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024
Môi trường

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội cho biết, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử vào ngày 1.12 tới.

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Lăng Dành
Xã hội

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nắm bắt tình hình

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập trên 2.100 Tổ Dân vận cộng đồng ở 100% thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình và đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tổ dân vận đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình thông qua thành lập các nhóm Zalo “Tổ Dân vận nòng cốt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Xã hội

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 22.11, tại Thành phố Điện Biên Phủ, World Vision International tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên" (IREM). Dự án do Liên minh cứu trợ Đức (ADH) tài trợ và được triển khai bởi World Vision trong 14 tháng (10.2023-11.2024).