Theo các đại biểu, việc ban hành luật nhằm kịp thời khắc phục vướng mắc, bất cập của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng và một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sĩ quan, như thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn, chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương... Đồng thời, thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, theo ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình), việc sửa đổi, bổ sung luật cũng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hơn 24 năm thi hành Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 1999 như: chưa quy định chức vụ cơ bản là cấp phó; hạn tuổi phục vụ của sĩ quan chưa bảo đảm theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan cấp tướng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay...
"Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam để hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, hiện đại đáp ứng mọi yêu cầu trong tình hình mới", đại biểu Nguyễn Tiến Nam nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện dự án luật bảo đảm đúng quy định, tương đồng với một số Luật liên quan như Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công an nhân dân, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở…
Các đại biểu cơ bản nhất trí việc sửa đổi khoản 1 Điều 13 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan QĐND Việt Nam các mức khác nhau Cấp úy: 50; Thiếu tá: 52; Trung tá: 54; Thượng tá: 56; Đại tá: 58; Cấp Tướng: 60. Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ của đội ngũ sĩ quan còn nhằm phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ và phù hợp tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Hoàng Văn Hữu (Bắc Kạn), hiện nay điều kiện cuộc sống tốt hơn trước đây, nhiều trường hợp các cán bộ khi nghỉ hưu ở tuổi 50, 52 vẫn tiếp tục tham gia lao động sản xuất ở địa phương, do đó, đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu cho phù hợp với thực tiễn.