Tăng trưởng xanh và phục hồi rừng

- Thứ Sáu, 25/12/2020, 07:13 - Chia sẻ

Nhìn lại năm 2020, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào trong kiểm soát dịch bệnh, duy trì ổn định vĩ mô và điều hành tốt kinh tế đưa Việt Nam trở thành điểm sáng hiếm hoi trên toàn cầu thì những thiệt hại nặng nề do thiên tai và các hình thái thời tiết cực đoan gây ra cũng là vấn đề đáng chú ý không kém. Biến đổi khí hậu, được cảnh báo liên tục trong thập kỷ qua và thể hiện tác động khốc liệt trong năm nay, cho thấy phát triển bền vững tiếp tục phải là ưu tiên song song với tăng trưởng kinh tế. Và điểm khởi đầu cho bài toán đó nên bắt đầu từ giữ rừng và phục hồi rừng tự nhiên, vấn đề mà dù đã được nhận thức nhưng chưa được làm tốt.  

Trước hết, cần nhìn thẳng vào thực tế là chỉ số diện tích và độ che phủ rừng được báo cáo đã phần nào làm lạc hướng nhận thức về tính bền vững trong phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Tại hội thảo “Bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên” tổ chức gần đây, các nhà khoa học từ ngành lâm nghiệp trong nước và các tổ chức quốc tế đều đồng thuận rằng về độ che phủ thì dường như Việt Nam đã phục hồi rừng gần với mức năm 1943, thời điểm có số liệu rừng đầu tiên, nhưng chất lượng rừng thì thua kém hơn rất nhiều khi rừng nguyên sinh còn lại rất ít. Khi chất lượng rừng nghèo nàn, đa dạng sinh học cạn kiệt, thì chức năng sinh thái - yếu tố cốt lõi của rừng, đã không còn bảo toàn được nguyên vẹn. Đó là lý do giải thích vì sao độ che phủ rừng tăng, nhưng hiệu quả giảm nhẹ tác động của thiên tai của rừng lại đi xuống. 

Từ thực tế này, về mặt chính sách, bên cạnh việc giữ rừng, mục tiêu cụ thể của giai đoạn sắp tới là ưu tiên phục hồi rừng, tăng chất lượng rừng thay vì chỉ tập trung vào số lượng (độ che phủ) như vừa qua. Hai điểm yếu cố hữu của vấn đề quản trị rừng trong giai đoạn vừa qua, đã được nhắc nhiều nhưng chưa mấy thay đổi và cũng cần được giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Thứ nhất là vấn đề xác định giá trị kinh tế cho rừng. Giá trị rừng không giới hạn trong giá trị gỗ và lâm sản mà còn nằm ở giá trị sinh thái, giá trị giảm thiệt hại thiên tai. Vì không tính đủ và đúng giá trị của rừng, rừng thường bị định giá thấp, bị chuyển đổi dễ dàng cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội với lý do sai lầm về mặt hiệu quả kinh tế. Tính toán được các giá trị đích thực của rừng thì trong tương lai, khi đấu giá quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng, xác định giá trị vốn góp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, rừng sẽ không dễ dàng bị chuyển đổi cho các mục đích khác.

Vấn đề thứ hai là sự chồng chéo về các đơn vị trong ngành, lẫn giữa các ngành với nhau trong chức năng quản lý rừng tự nhiên. Cả ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành tài nguyên môi trường đều liên quan nhưng không chịu trách nhiệm rõ ràng khi xảy ra tình trạng mất rừng, suy thoái rừng. Do đó nhất thể hóa về một đầu mối để có một thể chế mạnh trong bảo vệ rừng là điều rất cần được xác lập.

Cuối cùng, nguồn lực Nhà nước không đủ cho công tác trồng và phục hồi rừng tự nhiên. Điều may mắn là cơ hội đã mở ra khi cả nhân loại đều bắt đầu ý thức được giá trị của rừng và khối tư nhân bắt đầu đóng góp tài chính lớn cho các chương trình phục hồi rừng. Thủ tướng Chính phủ đã xác lập một mục tiêu đúng đắn: 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam. Nhưng 1 tỷ cây xanh này cần có vai trò chính của khu vực tư, của các tổ chức xã hội, tổ chức phát triển chuyên nghiệp. “Mở cửa”, tạo cơ chế để các quỹ, tổ chức quốc tế, tổ chức trong nước cùng khu vực tư nhân tham gia phục hồi rừng mới là chìa khóa để có lại rừng cho tương lai.

Cẩm Phô