“Tăng trưởng dương mức nào cũng đáng quý!”

- Thứ Hai, 19/10/2020, 08:34 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ Mười khai mạc ngày mai 20.10, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và kế hoạch thời gian tới. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tăng trưởng dương ở con số nào cũng rất đáng quý. “Đừng vì tăng trưởng của năm nay mà gây hậu quả cho những năm sau bằng việc đốc thúc quá mức đầu tư công hay dễ dãi trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI)”, bà khuyến cáo.

Không nên cố giải ngân hết đầu tư công bằng mọi giá

- Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ dự kiến tăng trưởng năm nay đạt 2 - 3%. Bà nghĩ gì về con số này?

- Dịch Covid-19 cản trở đà tăng trưởng của hầu hết nền kinh tế trên thế giới, kể cả những nền kinh tế hùng mạnh nhất. Nước ta là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tăng trưởng dương ở con số nào cũng rất đáng quý. Nếu tăng trưởng GDP cả năm đạt 2 - 3% thì rất tốt, nhưng vấn đề là tăng bằng cách nào và với giá nào.

Tôi cho rằng, muốn tăng trưởng trước tiên phải giúp doanh nghiệp phục hồi để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và đóng góp cho ngân sách. Tiêu dùng quốc tế (thể hiện qua xuất khẩu) và tiêu dùng trong nước luôn đóng vai trò lớn trong tăng trưởng GDP ở nước ta, nay xuất khẩu khó khăn hơn thì càng cần vai trò của tiêu dùng trong nước. Tạo điều kiện cho người dân có việc làm ổn định, từ đó khả năng tiêu dùng tăng lên là cách làm căn cơ để giúp tăng trưởng kinh tế, đồng thời mang lại lợi ích trực tiếp cho đông đảo người dân. Ngân sách cũng phải có nguồn thu thì mới đầu tư cho phát triển được. Khôi phục và phát triển doanh nghiệp giúp cho tăng trưởng lâu dài chứ không chỉ trước mắt.

- Đầu tư công được coi là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, vì vậy Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm giải ngân hết kế hoạch vốn năm nay. Quan điểm của bà thế nào?

- Theo tôi, trong đầu tư công, yếu tố quan trọng nhất chính là hiệu quả, chứ không phải giải ngân vốn càng nhiều càng tốt. Chúng ta đã có nhiều bài học đắt giá về việc đầu tư công kém hiệu quả trong bao năm qua. Cố giải ngân cho bằng được nhưng chỉ giai đoạn ban đầu, sau đó lại ngưng vì ách tắc do thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ cho toàn bộ dự án, rút cục vốn bị đội lên, thời gian kéo dài mà hiệu quả giảm xuống, người dân bất bình vì thấy tiền thuế mình nộp bị sử dụng tắc trách, phí phạm quá. Tôi xót xa cho những công trình bỏ dở đến 5 - 7 năm, những công trình vừa hoàn thành đã hư hỏng, hay những công trình làm xong mà mật độ sử dụng quá thấp, thậm chí gần như chẳng để làm gì, gây lãng phí, mất mát rất lớn cho đất nước. Tôi sợ việc thúc đẩy đầu tư công thời gian quá ngắn sẽ dẫn đến một số chủ dự án cố “làm lấy được” những dự án mà có lẽ từ khi thiết kế để xin ngân sách, họ đã trong tâm thế “xài tiền chùa”.

Đầu tư công hiệu quả thấp có thể giúp cho tăng trưởng trước mắt nhưng lại gây ra các vấn đề về lâu dài, như tăng gánh nặng nợ công, hao tổn các nguồn lực, mất cơ hội làm những dự án cần thiết và mang lại lợi ích lớn hơn cho người dân, cho nền kinh tế. Bởi vậy, đừng vì tăng trưởng của năm nay mà chấp nhận hoặc nới lỏng kiểm soát những dự án không bảo đảm hiệu quả lâu dài. Mặt khác, cũng có những dự án chưa triển khai nhưng có thể đã không còn phù hợp với định hướng chiến lược và các quy hoạch mới mà các ngành, địa phương đang xây dựng lại theo Luật Quy hoạch và chiến lược phát triển mới. Nghĩa là ta nên sẵn sàng điều chỉnh, không cố giải ngân hết theo chỉ tiêu bằng mọi giá.

Đất nước ta còn nghèo, năm nay thu ngân sách vô cùng khó khăn. Nguồn vốn vay bên ngoài cũng hạn hẹp hơn vì ở đâu cũng túng thiếu. Tương lai kinh tế toàn cầu vẫn rất bất định. Hơn bao giờ hết, chúng ta thực sự cần tiết kiệm, cắt bớt các khoản chi tiêu và đầu tư chưa thật cần, “tích cốc phòng cơ”, tăng khả năng chống chịu với các biến động - kể cả biến đổi khí hậu, và dành nguồn lực cho những đột phá về công nghệ, về sáng tạo, cho những khát vọng tương lai mà muốn đạt được thì phải bắt tay thực hiện ngay từ những năm tới. 

- Còn động lực FDI và xuất khẩu thì sao, thưa bà?

- FDI vẫn là một trong những động lực quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế nước ta, nhưng chúng ta cần xem lại, phải tăng bằng được chất lượng FDI chứ không phải số lượng. Điều này đã được Nghị quyết 50 - NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng thu hút FDI nêu rất rõ. Dịch Covid và những biến động trên thị trường toàn cầu đang tạo cho nước ta cơ hội đổi mới việc thu hút FDI, sao cho mang lại lợi ích lâu dài lớn hơn cho nền kinh tế, cho tăng cường nội lực. Đừng vì muốn tăng trưởng trước mắt mà chấp thuận những dự án công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường, hao tổn tài nguyên, không hợp tác, thậm chí chèn ép doanh nghiệp và các ngành trong nước.

Về xuất khẩu, Việt Nam vẫn đang tăng xuất khẩu, thậm chí xuất siêu, nhưng chủ yếu nhờ khu vực FDI. Căn cứ vào tỷ trọng xuất khẩu trên GDP, Mỹ đã loại Việt Nam khỏi tư cách quốc gia đang phát triển, nghĩa là Việt Nam sẽ bị áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt hơn về nhiều mặt và hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ có thể bị chấm dứt các ưu đãi về thuế quan… Trên thực tế, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển và đang làm gia công hàng xuất khẩu dựa trên lao động giá rẻ. Giá trị gia tăng người Việt Nam thực sự làm được và được hưởng từ xuất khẩu khá nhỏ bé. Nếu cứ ham những con số về số lượng hay kim ngạch xuất khẩu mà không thấy giá trị và lợi ích thực sự đất nước thu được là bao nhiêu, ta dễ bị ngộ nhận về thành tích, trong khi phải chịu những hệ quả lớn cho nền kinh tế, trước mắt như sự trừng phạt của Mỹ - nước đang nhập khẩu nhiều nhất từ nước ta, và lâu dài khó thoát khỏi thân phận gia công và vươn lên các vị trí cao hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguồn: ITN

Cần có GNI để đo thực lực nền kinh tế

- Theo bà, làm thế nào để đánh giá thực chất “sức khỏe” của nền kinh tế?

- Năm 2021 ở lĩnh vực kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung 3 chỉ tiêu gồm: Quy mô GDP bình quân đầu người; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng; và năng suất lao động xã hội. Đây là các chỉ tiêu rất cần thiết, nói lên chất lượng tăng trưởng, tôi rất hoan nghênh. Tuy nhiên, tôi muốn bổ sung 2 chỉ tiêu mà Quốc hội rất nên xem xét, đó là chỉ số thu nhập quốc dân (GNI) và chỉ số giá trị gia tăng (VA) trong các ngành quan trọng.

GNI là chỉ số kinh tế xác định tổng thu nhập của một quốc gia trong một thời gian, thường là một năm. Đây là chỉ tiêu nói lên thực lực nền kinh tế của quốc gia hơn là GDP. Khoảng cách giữa GDP và GNI ở nước ta có xu hướng tăng lên, năm 2018 GDP nước ta lớn hơn GNI tới 7%. Chúng ta đang rất quan tâm tăng cường nội lực, nên bên cạnh GDP, rất cần công bố thêm GNI để có hướng thúc đẩy doanh nghiệp và nguồn nhân lực trong nước, làm tăng sức mạnh của khu vực nội địa.

Chỉ số giá trị gia tăng cũng giúp đánh giá đúng mức hơn năng lực của các ngành chủ chốt trong nước. Nhiều năm nay, ta liên tục tăng tổng giá trị sản lượng của công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, song giá trị gia tăng tạo được trong các ngành này, đặc biệt là công nghiệp lại chưa đáng bao nhiêu, do ta phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu thiết bị máy móc và phụ tùng, nguyên vật liệu, các dịch vụ liên quan… cho cả sản phẩm xuất khẩu lẫn tiêu dùng trong nước. Mải miết làm gia công, mải miết nhập khẩu, chúng ta quên lãng việc phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ là nấc thang giá trị cao hơn, và làm mất cơ hội vươn lên của người Việt trong quá trình công nghiệp hóa.

- Theo bà, Quốc hội nên đặt mục tiêu tăng trưởng năm tới là bao nhiêu?

- Các tổ chức quốc tế dự báo năm 2021 Việt Nam có thể tăng trưởng 5 - 6%, nhưng đó là trong điều kiện Covid-19 không quay lại, hoặc có thì mức độ nhẹ và Việt Nam có thể vượt qua được. Mặt khác họ cũng căn cứ vào kỳ vọng các nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và kinh tế toàn cầu sẽ tốt hơn trong năm tới. Các quốc gia này có phục hồi thì Việt Nam mới có cơ hội tăng trưởng cao bởi Việt Nam có quan hệ kinh tế nhiều mặt, đặc biệt xuất khẩu và FDI với các nước này.

Vì vậy, tôi cho rằng, dù hết sức mong muốn Việt Nam có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng cao vào năm 2021, nhưng chúng ta vẫn nên có các kịch bản khác nhau. Và quan trọng nhất là phải cố gắng vượt bậc, tập trung thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng mạnh tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của nền kinh tế.

- Xin cảm ơn bà!

An Thiện