Tăng trưởng bền vững cả về chất và lượng

- Chủ Nhật, 28/11/2021, 11:35 - Chia sẻ
Theo số liệu của Bộ Công thương, 10 tháng năm 2021, nước ta xuất siêu sang EU hơn 11 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có thế mạnh như dệt may, da giày, nông thủy sản... đã tận dụng được các lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và chinh phục thị trường châu Âu.

Đánh giá cụ thể hơn, đại điện Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng, do có Hiệp định EVFTA mà kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn cả về chất và lượng, xuất - nhập khẩu đều đạt kết quả tích cực. Ngoài cơ hội mở rộng, đa dạng hoá thị thị trường, Hiệp định EVFTA cũng mang lại cho nước ta cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hoá, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hoá hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao.

9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ cho thị trường EU cũng đạt tỷ lệ khá cao, ở mức gần 8 tỷ USD.

Tuy vậy, cùng với các cơ hội, việc xuất khẩu cũng phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn, quy định chặt chẽ, thậm chí là khắt khe của nước nhập khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa. Ví dụ như về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng, thực tế doanh nghiêp đang gặp rất nhiều vướng mắc. Dẫn chứng về điều này, đại diện Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, cùng một mặt hàng, cùng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra nhưng nếu sản phẩm đó nếu xuất khẩu sang thị trường khối ASEAN, yêu cầu đặt ra hoàn toàn khác so với xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu hàng hóa cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn cần chú ý đến các quy định về quy tắc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý... vì dù quy tắc xuất xứ đưa ra trong EVFTA tuy không mới nhưng khá phức tạp. Hay về chỉ dẫn địa lý, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm và đăng ký bảo hộ ở thị trường nước ngoài. Điều này có thể sẽ gây thiệt hại nhất định cũng như nguy cơ rủi ro cao, thậm chí gặp những vấn đề về pháp lý...

Thực tế, sau một thời gian tham gia Hiệp định EVAFTA, dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức nhưng những kết quả đạt được là rất đáng khích lệ. Thậm chí, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), so với các hiệp định FTA đã có hiệu lực, mức độ hiểu biết và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với Hiệp định này còn ở mức tương đối cao, có 30,19% doanh nghiệp được khảo sát hiểu và nắm rõ các thông tin về các cam kết trong EVFTA so với mức trung bình 22,95% ở các FTA khác.

Bởi vậy thời gian tới, điều quan trọng với các cơ quan chức năng là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết có hiệu quả các tranh chấp nếu có. Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhanh chóng khắc phục các điểm yếu cố hữu về thông tin thị trường, sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa...

Tham gia Hiệp định EVFTA, ngoài cơ hội mở rộng, đa dạng hoá thị trường còn đem lại cho nước ta cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hoá, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hoá. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần cộng đồng trách nhiệm giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Ninh Khương