Điểm sáng thu ngân sách nhà nước
Nhìn lại hành trình thực hiện kịch bản tăng trưởng năm 2024, có thể thấy Hưng Yên phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi cả khách quan lẫn chủ quan. Đặc biệt, là cơn bão số 3 với sức tàn phá khủng khiếp nhất trong 30 năm qua, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội của tỉnh. Song, vượt qua những trở ngại, sự linh hoạt, chủ động trong công tác, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh đã giúp bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều điểm sáng chủ đạo…
Những kết quả nổi bật này được thể hiện rất rõ qua báo cáo do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Lê Huy trình bày tại kỳ họp. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 của tỉnh ước tăng 7,7%. Khu vực công nghiệp và xây dựng trở thành động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng với mức tăng 11,07%. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế vượt kế hoạch đề ra; nổi bật là: thu ngân sách ước đạt 40.114 tỷ đồng (bằng 122,2% so với dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ).
Đến nay, toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động; kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp cơ bản đồng bộ. Trong năm, tỉnh đã giải phóng mặt bằng được khoảng 40ha và xây dựng hạ tầng 450ha đất khu công nghiệp. Luỹ kế đến nay, đã giải phóng mặt bằng khoảng 2.730ha đất khu công nghiệp; cho thuê khoảng 2.596 ha; đầu tư xây dựng hạ tầng được khoảng 2.256ha. Toàn tỉnh có 24 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 1.148,97ha; khởi công mới 1 cụm công nghiệp, nâng tổng số lên 5 cụm công nghiệp đã khởi công xây dựng.
Về hoạt động xây dựng, tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 1.860 doanh nghiệp, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023 với tổng số vốn đăng ký mới đạt 32.934,7 tỷ đồng. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 9,2%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 18.346 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký đạt 236.886 tỷ đồng.
Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tài nguyên môi trường được tăng cường. Hạ tầng giao thông vận tải tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Hoạt động khoa học công nghệ tiếp tục phát triển đúng định hướng, có chiều sâu... Tỉnh cũng phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp bằng đổi mới sáng tạo, trọng tâm là doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, trường đại học.
Cùng với những bứt phá trên các trụ cột kinh tế, các hoạt động bảo đảm an sinh - xã hội được triển khai hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,44%. Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên, kỷ cương nền nếp trong giáo dục được tăng cường. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội... tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Đáng chú ý, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Lê Huy, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính của tỉnh được đẩy mạnh. Tỉnh đã giảm được 3 phòng chuyên môn thuộc các Sở và 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện; hoàn thành xong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm của các sở, ngành, UBND cấp huyện và 509 đơn vị sự nghiệp công lập…
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần sớm nhận diện, tháo gỡ kịp thời, như: một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội; vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều, chưa được xử lý triệt để; việc xử lý các “điểm nóng” ô nhiễm và các dự án đầu tư không triển khai, chậm tiến độ chưa quyết liệt...
Trên cơ sở nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh Hưng Yên đã đề ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong năm cuối của nhiệm kỳ. Trọng tâm là tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các nghị quyết, chương trình, đề án của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát giá cả, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh xác định tăng tốc thực hiện khâu đột phá chiến lược về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án trọng điểm, như: khu hành chính tập trung tỉnh; khu liên hiệp thể thao tỉnh; xây dựng và phục dựng phố Hiến cổ; sân golf sông Hồng; phấn đấu có thêm 5 KCN hoàn thành lập hồ sơ chủ trương đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung “nuôi dưỡng” khai thác tốt các nguồn thu; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong triển khai các dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư đến triển khai, kết thúc dự án, nhất là trong giải phóng mặt bằng, xử lý thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng... Phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính tỉnh nằm trong Top 10 tỉnh/thành phố trên cả nước. Triển khai thực hiện hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025….
Cùng với các giải pháp nêu trên, UBND tỉnh khẩn trương thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất năm 2025 trên địa bàn và việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha; phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của cấp huyện. Tiếp tục công tác ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; khuyến khích kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án xử lý chất thải có công nghệ tiên tiến xử lý đốt tận thu nhiệt, phát điện. Nỗ lực đưa khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính đột phá của tăng trưởng kinh tế.
Toàn tỉnh cũng chú trọng gắn kết chính sách phát triển kinh tế với chính sách phát triển xã hội bền vững. Phấn đấu các chỉ số về an sinh xã hội đạt tích cực hơn mức bình quân chung cả nước. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo về mức khoảng 0,35%.