Tăng tốc thu và phát triển đối tượng

- Chủ Nhật, 17/01/2021, 08:53 - Chia sẻ
Trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cố gắng, thực hiện hiệu quả công tác tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Trong đó, nổi bật là phát triển số người tham gia BHXH (bao gồm cả bắt buộc, tự nguyện) tăng 2,47% so với năm 2019; tỷ lệ tham gia BHYT đã đạt 90,85% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 0,15%.

Bám sát địa bàn, đôn đốc thu BHXH

Theo BHXH Việt Nam, năm 2020 là năm khó khăn, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng; số tiền thu đạt 100,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, số người tham gia BHXH tăng 390 nghìn người, đạt 32,7% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện, đã tăng 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại; số người tham gia BHYT đạt 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28.6.2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020; số người tham gia BHTN đạt 27% lực lượng lao động. 

Đại diện Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, hàng loạt các giải pháp được xây dựng và áp dụng trong thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội, trên cơ sở khai thác triệt để cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có như xây dựng thêm quy trình khai báo, gia hạn thời gian đóng, áp dụng việc thu tiền đóng, kê khai tạm dừng đóng, xác nhận danh sách người lao động nghỉ việc chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trả lương trên cổng dịch vụ của ngành và cổng dịch vụ công quốc gia; xử lý công việc trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, công tác đôn đốc đơn vị, người dân đóng BHXH, BHYT theo quy định được duy trì thực hiện thông qua việc gửi tin nhắn tự động, gửi thông báo qua emai đến các đơn vị, người tham gia. 

Là một trong những đơn vị hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch được giao trong năm 2020, theo BHXH tỉnh Yên Bái, những ngày cuối năm, ngày nào cũng là ngày cao điểm, tuần nào cũng là tuần cao điểm. Cán bộ chuyên quản thu phải lên đường bám sát địa bàn, đơn vị... để đôn đốc thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Nhờ vậy, nhiều số địa phương đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, TP Yên Bái, Trấn Yên. BHXH tỉnh cũng xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu, trách nhiệm phát triển đối tượng, thu, thu nợ cho từng BHXH huyện, từng cán bộ làm công tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, gắn với cơ chế thi đua khen thưởng.

Chia sẻ thông tin với báo chí, Giám đốc BHXH tỉnh Yên Bái Nguyễn Trí Đại cho biết, nhờ những giải pháp đồng bộ cũng như sự nỗ lực của mỗi cán bộ BHXH, đến hết năm 2020, toàn tỉnh Yên Bái đã thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt 101% kế hoạch BHXH Việt Nam; số nợ toàn tỉnh còn 41,2 tỷ đồng, chiếm 2,43% số thu. Cùng với đó, công tác phát triển BHXH đạt nhiều kết quả tích cực, dù số lao động tham gia BHXH bắt buộc giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng số lao động tăng mới đạt 2.353 người; số người tham gia BHXH tự nguyện mới là 10.765 người và đã tăng 8.515 người so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 105,2% kế hoạch giao đầu năm). Trong năm vận động mới được 12.123 người tham gia BHYT hộ gia đình, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh lên 97,2% dân số (vượt gần 9% so với Quyết định 1167 và vượt 0,7% so với tỷ lệ bao phủ UBND tỉnh giao).

Năm2020, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đạt được nhiều kết quả quan trọng

Hiệu quả từ phương thức truyền thông mới

Theo Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện tốt công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là nâng cao nhận thức của người dân, chính vì vậy, cùng với công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức truyền thông mới trên internet, zalo… được chỉ đạo áp dụng mạnh đến các nhóm đối tượng, nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. 

Trong thời gian bão lũ liên tục xảy ra tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhân dân, để tạo thuận lợi nhất cho người dân được hưởng chính sách khám, chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam đã kịp thời đề xuất Bộ Y tế triển khai thí điểm việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên điện thoại từ ứng dụng VssID thay thế thẻ BHYT giấy; tổ chức các đoàn công tác để thăm hỏi, hỗ trợ và trao tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ gánh nặng về tài chính nếu không may bị ốm đau, bệnh tật; đồng thời chỉ đạo BHXH các địa phương kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ mua tặng thẻ BHYT để người dân giảm bớt khó khăn. Theo báo cáo chưa đầy đủ, đến hết năm 2020, đã có hàng trăm nghìn thẻ BHYT được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trao tặng tại tai các địa phương là Đà Nẵng, An Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã triển khai phương thức truyền thông mới, giúp phát triển đối tượng tham gia. Đơn cử như BHXH tỉnh Quảng Bình, đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai thí điểm mô hình “nông dân với BHXH tự nguyện, BHYT toàn dân” tại các huyện, thị xã, thành phố. Phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến từng thôn, bản, tiểu khu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chú trọng phối hợp phát huy trách nhiệm của chính quyền, Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT cấp xã, cấp thôn trong vận động và chỉ đạo tại các hội nghị tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trực tiếp.

Để phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu trong năm 2021 là 35,2% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH; có khoảng 28,5% lực lượng lao động tham gia BHTN theo mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW và có khoảng 91,56% dân số tham gia BHYT theo mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, đại diện Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ cho biết, ngành BHXH tích cực, chủ động tham mưu, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp để thu, thu nợ phát triển người tham gia, trong đó tất cả các địa phương phải ban hành được các chương trình, kế hoạch, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT đến tận phường, xã. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế cung cấp, khai thác triệt để đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; tập trung rà soát, phân loại đối tượng tiềm năng, theo nhóm ngành nghề, giới tính, độ tuổi, vùng miền… từ đó xây dựng, giao kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, vận động linh hoạt trực tiếp, hoặc tổ chức hội nghị khách hàng để phát triển người tham gia BHXH, BHYT...

Dương Cầm