Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030. Nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, khi triển khai thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg về công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Bộ tập trung vào các lĩnh vực như linh kiện phụ tùng máy móc thiết bị, công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày và công nghệ cao. Sau 6 năm thực hiện với mục tiêu đạt 45% trở lên cho nhu cầu sản xuất nội địa, linh kiện xe máy đáp ứng được 85-90%, linh kiện sản xuất ôtô là 15-40% (tùy chủng loại xe); 40-60% máy nông nghiệp; dệt may, da giày là 40-45%. Tuy vậy, một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp, như công nghệ cao mới đáp ứng được 10%.
Thực tế hiện nay, theo thông tin được cung cấp từ doanh nghiệp, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Tại Việt Nam, một số linh kiện nội địa hóa được, có chi phí sản xuất và chất lượng cạnh tranh so với nhập khẩu, song chủ yếu là các chi tiết cồng kềnh, hay giản đơn, sử dụng nhiều nhân công, giá rẻ. Còn lại, phần lớn linh kiện và cụm linh kiện gặp vấn đề vốn đầu tư lớn mà sản lượng lại nhỏ nên có giá thành cao.
Theo báo cáo của một số doanh nghiệp, với sản phẩm nắp bình xăng, nhà sản xuất trong nước báo giá 3,8 USD/chiếc, trong khi nhà sản xuất tại Thái Lan báo giá chỉ 1,6 USD/chiếc. Chênh lệch chi phí từ 200-300% cũng áp dụng với nhiều linh kiện khác, thậm chí còn lớn hơn với các linh kiện cao cấp. Do sản lượng thấp nên chi phí khấu hao thiết bị trên một đơn vị sản xuất sẽ lớn. Vì vậy, giá linh kiện nhà sản xuất trong nước đưa ra thường cao hơn các sản phẩm cùng loại nhập từ nước ngoài.
Dự báo của các doanh nghiệp cho thấy, thị trường ô tô năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn, tăng trưởng chỉ khoảng 10%, trong đó xe sản xuất lắp ráp trong nước ước đạt sản lượng 400.000 chiếc/năm. Với sản lượng như vậy, sẽ phải mất nhiều năm nữa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới có thể khắc phục hết bất lợi, để chuyển hóa thành lợi thế, nhưng thời gian thì không chờ đợi.
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh cho biết để tăng tỷ lệ nội hoá cho ngành ô tô, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong thời gian tới. Trong đó, tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; tập trung phát triển một số dòng xe chiến lược để tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Bảo vệ thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô bằng các hàng rào kỹ thuật, thuế quan phù hợp cam kết quốc tế và thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Bộ cũng huyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa: Điều chỉnh chính sách về thuế, phí, lệ phí, tài chính theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho tỷ lệ giá trị nội địa đối với ô tô sản xuất trong nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng nội địa hóa.
Cùng với đó, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Chính phủ đối với công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nói riêng, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình phát triển CNHT hàng năm.