Có chế tài đủ mạnh chống thất thu kinh phí công đoàn
Tại buổi TXCT giữa ĐBQH với cán bộ công đoàn và công nhân lao động trước Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV do Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố tổ chức vừa qua, nhiều cử tri cho rằng, kinh phí công đoàn là nguồn thu quan trọng để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Để công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động, đề nghị Quốc hội tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn như trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị, Quốc hội cần có thêm những chế tài nặng đủ sức răn đe đối với những trường hợp cố tình chây ỳ không đóng kinh phí công đoàn. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Tam Kỳ Phan Dương Nhựt, hiện nay toàn tỉnh nợ hơn 100 tỷ đồng kinh phí công đoàn. Số tiền này không phải do LĐLĐ tỉnh quản lý mà trích 75% cho công đoàn cơ sở, ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Mặt khác, do không thu được kinh phí công đoàn nên rất khó khăn trong việc hỗ trợ những trường hợp ốm đau, các chương trình hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán... Vì vậy, cử tri đề nghị, khi cấp giấy phép kinh doanh thì nên ràng buộc trách nhiệm đối với chủ sử dụng lao động và mạnh hơn nữa là truy tố đối với những trường hợp nợ phí kéo dài.
Dẫn chứng tại khoản 5 Điều 10 dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định: “không đóng; chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng đóng” mà chưa quy định thời gian cụ thể là bao nhiêu. Cử tri kiến nghị, Quốc hội cho ý kiến sửa đổi và quy định thời gian cụ thể là “không đóng; chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng đóng quá 6 tháng kể từ ngày đóng kinh phí theo quy định”.
Tháo gỡ chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn
Đóng góp ý kiến vào dự thảo, cử tri công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ khẳng định, việc tăng quyền chủ động giám sát của công đoàn tại Điều 16 của dự thảo Luật lần này là cần thiết. Như vậy, sẽ giúp cho công đoàn thuận lợi hơn khi thực hiện hoạt động giám sát, phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động và sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Từ thực tế, một số cử tri khẳng định, tại Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật, công đoàn có quyền chủ trì giám sát đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, ngoài quy định tại Điều 9, Điều 10 Hiến pháp 2013, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Khiếu nại đều có quy định về quyền giám sát của tổ chức công đoàn về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động trong quan hệ lao động. Do đó, việc Quốc hội quy định quyền chủ động thực hiện giám sát của công đoàn trong dự thảo Luật sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn, sớm phát hiện các bất cập, tranh chấp, không để xảy ra đình công, ngừng việc.
Liên quan đến đội ngũ làm công tác công đoàn, cử tri Trần Việt Thơ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Winnercom Vina (Ninh Bình) cho rằng, hoạt động công đoàn rất cần đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, cán bộ công đoàn lại được tuyển dụng như công chức nhà nước, dẫn đến khó khăn trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này trưởng thành từ cơ sở và phong trào công nhân. Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, tháo gỡ về chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn để có thể thu hút đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành từ cơ sở.
Ngoài ra, cử tri tỉnh Hòa Bình cũng phản ánh, số lượng cán bộ công đoàn cơ sở ở cấp tỉnh, đặc biệt là cấp huyện được bố trí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, vì số lượng đoàn viên tăng liên tục, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn. Có nơi, có lúc công đoàn không kịp thời chăm lo, bảo vệ được quyền lợi người lao động. Nhiều đơn vị cấp huyện có đông đoàn viên, người lao động nhưng số lượng cán bộ công đoàn được bố trí có tính chất “cào bằng” như đơn vị có ít đoàn viên, người lao động.
Do đó, Quốc hội cần xem xét quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể, rõ ràng đối với các đơn vị, doanh nghiệp có từ 2.000 lao động trở lên bắt buộc phải bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm các điều kiện cho công đoàn hoạt động và có chế tài đủ mạnh khi doanh nghiệp cố tình vi phạm, không thực hiện…