Tăng ngân sách hỗ trợ bảo hiểm y tế

Nguyễn Thúy 14/05/2016 07:57

Hơn 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã góp phần làm giảm đáng kể chi tiêu của người dân khi đi khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, số bệnh nhân bị nghèo hóa và chi phí y tế từ tiền túi của người dân vẫn ở mức cao… BHYT tự nguyện toàn dân là một giải pháp căn cơ, bền vững, không chỉ thực hiện được mục tiêu nói trên, mà còn góp phần giảm nghèo hóa của người dân.

Chi phí y tế tiền túi quá cao

 Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khi tiền túi của người bệnh phải chi tiêu cho y tế vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì đây được gọi là chi phí thảm họa, bởi người dân sẽ không đủ tiền để chi trả. Thống kê của ngành y tế cho thấy, từ năm 1992 đến năm 2014, tỷ lệ hộ gia đình chịu mức “chi phí thảm họa” do y tế đã giảm, từ mức 8,2% xuống còn 2,3%, có nghĩa là hiện nay có khoảng 550 nghìn hộ gia đình chịu mức chi phí thảm họa. Để người dân không phải chịu chi phí thảm họa khi đi khám chữa bệnh, trong Đề án BHYT toàn dân giai đoạn 2016 - 2020, khi vận động được toàn dân tham gia BHYT, mức chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình sẽ dần được giảm xuống.

Dân số Việt Nam đang tăng với tốc độ trung bình mỗi năm khoảng 1 triệu người, trong khi đó diễn biến bệnh tật ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của môi trường sống - GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế tăng do mức sống và nhu cầu của người dân ngày càng cao, cũng như do áp dụng các công nghệ mới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nếu không có các chính sách vĩ mô đi kèm kịp thời và tương ứng sẽ làm nghèo hóa người dân. Bởi vì người nghèo không có nhiều điều kiện chăm sóc sức khỏe thường xuyên, khi phát sinh bệnh tật thường bị bệnh nặng, dẫn đến chi phí khám chữa bệnh và điều trị cao ngoài khả năng chi trả, buộc phải vay nợ. Sau khi khỏi bệnh họ lại phải “kéo cày trả nợ” nên luôn trong tình trạng nghèo khó.

GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng cho rằng, BHYT không chỉ là giải pháp quan trọng để bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khoẻ toàn dân, như mang tính chia sẻ giữa người giàu - người nghèo, giữa người trẻ - người già, giữa người khỏe - người ốm đau… mà còn giúp người dân, nhất là người nghèo, có nguồn kinh phí tích lũy để dự phòng khi ốm đau, bệnh tật.

Tuy nhiên, tình trạng tham gia BHYT của người dân còn thấp. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện nhóm đối tượng dưới 19 tuổi và trên 60 tuổi tham gia BHYT đạt xấp xỉ 100%. Ở nhóm 20 - 39 tuổi, tỷ lệ tham gia BHYT là 64%; tỷ lệ tham gia BHYT thấp nhất thuộc về nhóm tuổi từ 40 - 59 với 53%. Một báo cáo tổng quan ngành y tế năm 2013 cho thấy, chi phí từ tiền túi của người bệnh trong tổng chi y tế vẫn ở ngưỡng 54% - cao hơn nhiều nước trong khu vực. Trên toàn cầu, chi phí từ tiền túi của người bệnh trong tổng chi y tế chỉ chiếm gần 18%, đối với các nước có thu nhập cao thì tỷ lệ này là 14% và với các nước có thu nhập thấp tỷ lệ này ở mức 52%.

Tăng ngân sách hỗ trợ bảo hiểm y tế ảnh 1
Nguồn: nhandan.com.vn

Tăng ngân sách để hỗ trợ

PGS.TS. Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng cho rằng, việc hơn 70% dân số nước ta tham gia BHYT đã làm giảm đáng kể chi tiêu khám chữa bệnh của người dân, nhưng tỷ lệ chi tiêu từ tiền túi cho y tế vẫn là một gánh nặng. Số bệnh nhân bị nghèo hóa vẫn ở mức cao. Đến năm 2014, còn hơn 400 nghìn hộ gia đình rơi vào bẫy nghèo đói vì chi tiêu tiền túi cho y tế. Hình thức BHYT tự nguyện toàn dân sẽ tạo sự cân bằng giữa người giàu và người nghèo về an sinh xã hội, dung hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm của những người tham gia BHYT, từ đó thực hiện tốt chức năng chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.

Bên cạnh đó, GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng lưu ý, cần phải xác định BHYT chỉ là một nguồn thu cơ bản, mang tính hỗ trợ quan trọng khi Nhà nước không thể bao cấp tất cả, chứ không phải là toàn bộ kinh phí khám chữa bệnh. Theo đó, để thúc đẩy quá trình BHYT bắt buộc toàn dân, Nhà nước sẽ tăng nguồn ngân sách để hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng, giảm mức đóng khi mọi thành viên trong gia đình tham gia nhóm và đặc biệt phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hơn nữa.

Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, Chính phủ yêu cầu toàn dân tham gia BHYT bắt buộc, riêng với người nghèo sẽ được hỗ trợ toàn phần. Tuy nhiên, để có được thẻ BHYT, mỗi người bắt buộc phải bỏ tiền túi của mình ra 30 bạt (THB). Việc bỏ tiền túi này là để mỗi cá nhân, dù là người nghèo, thấy được trách nhiệm, ý thức của mình trong việc chăm sóc sức khỏe và KCB.

Để triển khai các điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, các chính sách sẽ tập trung vào mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân và quy định bắt buộc tham gia BHYT; thực hiện tham gia BHYT theo hộ gia đình; mở rộng đối tượng, số lượng tham gia; bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHYT cũng như sự bình đẳng giới và bình đẳng giữa người lao động trong và ngoài khu vực nhà nước. Trong đó, tập trung tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích, tính nhân văn của  hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình mà Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang triển khai. Bên cạnh đó, cần truyền thông rộng rãi trong cộng đồng để người dân hiểu rằng BHYT bắt buộc không chỉ với người dân mà còn với Nhà nước. Đặc biệt, doanh nghiệp phải chủ động tham gia BHYT, BHXH cho người lao động.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tăng ngân sách hỗ trợ bảo hiểm y tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO