Thúc đẩy các đột phá chiến lược
2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng tốc thực hiện, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai Khóa XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; nhiều dự án đầu tư lớn sẽ được thúc đẩy hoàn thành, đưa vào khai thác tạo cơ hội và những tín hiệu tích cực để Lào Cai đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tăng cường thu hút đầu tư các dự án khác, giải quyết việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội. Do đó, tỉnh cần tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Xuân Cường
Thảo luận tại kỳ họp, đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh, các đại biểu nhìn nhận: trong bối cảnh đầy khó khăn thách thức, Lào Cai vẫn có những điểm sáng như khu vực dịch vụ, du lịch, xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh tới bạn bè trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ ở nhiều ngành, lĩnh vực vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân; GRDP bình quân đầu người; giá trị sản xuất công nghiệp (đạt 90,22% kế hoạch); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (đạt 80% kế hoạch); tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg; tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt…
Để nâng cao “sức khỏe” của nền kinh tế, các đại biểu cho rằng, thời gian tới tỉnh cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh cho các trụ cột kinh tế, trên cơ sở thúc đẩy các đột phá chiến lược…
Góp ý vào Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, đại biểu Thào Thị Lan (Tổ đại biểu huyện Mường Khương) cho rằng: báo cáo mới đánh giá kỹ một số lĩnh vực như môi trường khu công nghiệp, y tế, khu vực đô thị, khu nông thôn và tập trung hoạt động thu gom rác, chất thải rắn sinh hoạt, vỏ bao bì trong sản xuất nông nghiệp, xử lý nước thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường chăn nuôi... Đại biểu cho rằng, báo cáo cần đánh giá toàn diện, cụ thể hơn về vấn đề chung của môi trường đất, nước, không khí, hệ sinh thái... những tác động tiêu cực của con người đang làm ảnh hưởng đến môi trường; việc xử lý, cải tạo, phục hồi, bảo vệ môi trường đất; đánh giá về việc đầu tư xây dựng các bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh…
Liên quan đến nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngày càng tăng, đại biểu Hà Tất Định (Tổ đại biểu huyện Bắc Hà) cho rằng: quy trình giải quyết thủ tục hành chính còn rườm rà, mất nhiều thời gian, cần rà soát các thủ tục hành chính để sửa đổi cho phù hợp hơn, theo hướng để người dân giảm bớt thời gian, công sức khi làm thủ tục đồng thời giảm áp lực công việc đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn. Bên cạnh đó, có cơ chế riêng đối với các trường hợp hình thành tài sản từ ngày 1.7.2014 đến trước ngày 30.5.2019 đã được lập danh sách trong sổ bộ để cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đối với các trường hợp phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Sớm khơi thông các “điểm nghẽn”
Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Trần Văn Kình (Tổ đại biểu huyện Si Ma Cai) bày tỏ lo lắng trước tình trạng thiếu giáo viên các cấp học trên địa bàn huyện Si Ma Cai ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của địa phương. Bên cạnh đó, việc sáp nhập các thôn, tổ dân phố khiến các nhà văn hóa không còn phù hợp... Theo đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ cho những vấn đề trên, bố trí nguồn lực đầu tư xây mới các nhà văn hóa có quy mô phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Tất Thắng (Tổ đại biểu huyện Văn Bàn) đề nghị: phân cấp, phân quyền cho UBND cấp huyện phân bổ chi tiết kinh phí cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chịu trách nhiệm về hiệu quả các dự án; phân cấp quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cụ thể đề nghị giao cho cấp xã quản lý. Liên quan đến thu hút đầu tư, trước tình trạng các doanh nghiệp hiện chưa thực sự mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, đại biểu Thắng cho rằng tỉnh cần có các cơ chế khuyến khích để “khơi thông” khu vực này phát triển. Cùng đó, thiết lập quy hoạch mạng lưới đường giao thông nông thôn, kiểm soát tốt quy hoạch các tuyến đường có thể đi qua các khu rừng tự nhiên, khu bảo tồn để bảo vệ nghiêm ngặt hiện trạng môi trường sinh thái…