Tăng lãi suất tiền gửi sẽ làm mất cơ hội giảm lãi vay?

TS. NGUYỄN MINH PHONG 24/06/2015 08:30

Trong thời gian qua, lãi suất tăng nhẹ trên thị trường liên ngân hàng và thị trường dân cư, tổ chức kinh tế. Vấn đề này có thể tạo làn sóng đẩy lãi suất cho vay lên cao, khi đó nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ sẽ không hiệu quả.

Nguồn: doisongphapluat.com
Nguồn: doisongphapluat.com
Lý do việc tăng lãi suất huy động bắt nguồn trực tiếp từ thực tế huy động vốn của nhiều ngân hàng thương mại có dấu hiệu chững lại, trong khi cầu tín dụng tăng gắn với sự phục hồi kinh tế và sự ấm lên của thị trường bất động sản. Dư nợ tín dụng 5 tháng qua tăng trên 5,1% so mức tăng chỉ 1,31% cùng kỳ năm ngoái. Trần tín dụng năm nay (13% - 15%) được nới rộng hơn năm ngoái (11% - 12%) tạo cơ hội tăng dư nợ tín dụng, cũng khiến các ngân hàng đẩy trở lại lãi suất huy động để tạo nguồn tăng cho vay tín dụng theo kế hoạch và kỳ vọng.

Hơn nữa, khoảng chênh lệch giữa lãi suất huy động hiện hành với lãi suất cho vay thực tế cũng cho phép các ngân hàng tăng lãi suất huy động mà không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của mình, thậm chí có thể được bù lại bởi mức tăng mạnh tổng tín dụng cho vay. Đặc biệt, lợi ích sâu xa của tăng lãi suất tiền gửi còn ở chỗ, sẽ có điều kiện tăng cho vay khi tổng dư nợ tín dụng tăng sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu, tạo thuận lợi cho ngân hàng về xếp loại tín dụng trong yêu cầu phân loại nợ và ngân hàng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước ngày càng gắt gao và cao hơn.

Ngoài ra, lãi suất tăng còn chịu ảnh hưởng của kỳ vọng tăng CPI được gắn với xu hướng tăng giá xăng, dầu và giá điện, cùng giá một số dịch vụ như y tế, giáo dục, vận tải… Cũng cần thấy rằng, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng trên thị trường mở (OMO - thông qua phát hành trái phiếu) hơn 50.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng thương mại bị hụt thanh khoản phải vay trên thị trường liên ngân hàng. Trong bối cảnh đó, lãi suất liên ngân hàng tăng khá nhanh thêm khoảng 2 điểm phần trăm trong nửa đầu tháng 6, cụ thể lãi suất qua đêm tăng lên quanh mức 4,2%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tuần vào khoảng 4,3%/năm và lãi suất một tháng ở mức 4,6%/năm.

Đáng lưu ý là lãi suất huy động tăng, nhưng lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng vẫn từ 4,7% - 5,3%/năm (trước đây từ 4,5% - 5%/năm), thấp hơn mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 5,5%/năm. Lãi suất tiền gửi chỉ tăng nhiều ở các kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm và từ 1 - 3 năm nhằm tăng cho vay trung dài hạn đang có xu hướng tăng mạnh, chiếm 54% tổng dư nợ cho vay hiện nay.

Về triển vọng, tăng lãi suất huy động với mức “nhỏ giọt” trên, trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lãi cho vay của ngân hàng do có chênh lệch khá rộng giữa lãi suất huy động và cho vay hiện hành. Hơn nữa, vì lợi ích tổng thể và lâu dài chung, cần kiểm soát trần lãi suất cho vay, thậm chí cần tiếp tục giảm thêm 1% - 1,5% lãi suất cho vay trên mặt bằng chung theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Thực tế cho thấy, sự lên xuống của lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, có tác động mạnh tới đời sống kinh tế - xã hội, cũng như trong việc thực thi mục tiêu của chính sách tiền tệ. Việc tăng lãi suất cũng được sử dụng như một công cụ để bảo vệ tỷ giá hối đoái trước sự biến động nhanh chóng của các luồng vốn trên thị trường quốc tế và trước những thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế. Nâng lãi suất sẽ kích thích hạn chế tiêu dùng và sử dụng tiết kiệm các khoản vay, làm giảm cầu tín dụng, thu hẹp nhập khẩu. Lãi suất cho vay quá cao sẽ hạn chế đầu tư xã hội, dẫn đến tăng đình trệ suy thoái, thất nghiệp và phá sản. Ngoài ra, mức lãi suất cho vay cao “ở đầu vào” sẽ được người vay tự động chuyển vào giá cả “ở đầu ra”, làm tăng mức giá chung. Bởi vậy, lãi suất cho vay cần ổn định trong trung - dài hạn hoặc suốt vòng đời của dự án để tạo thuận lợi và kích thích doanh nghiệp tăng vay để đầu tư lâu dài.

 Hiện nay, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng của nhiều ngân hàng thương mại được nâng thêm khoảng 0,2% - 0,5%/năm. Cụ thể: HDBank tăng lãi suất từ 5,5%/năm lên 5,7%/năm cho kỳ hạn từ 6 - 11 tháng và từ 6,5%/năm lên 7%/năm kỳ hạn 12 tháng. Ngân hàng Đông Á tăng từ 5,6%/năm lên 6%/năm kỳ hạn 9 tháng. Eximbank tăng từ 5,2%/năm lên 5,4%/năm (6 tháng), từ 5,8%/năm lên 6,2%/năm kỳ hạn 12 tháng. Mức tăng 0,2 - 0,5% lãi suất huy động ngắn hạn cũng được ghi nhận tại VietinBank và BIDV.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tăng lãi suất tiền gửi sẽ làm mất cơ hội giảm lãi vay?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO