Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:

Tăng khả năng ứng phó với mọi trường hợp

- Thứ Năm, 11/11/2021, 15:53 - Chia sẻ
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc ngành giáo dục tận dụng cơ hội đổi mới từ tác động của đại dịch Covid-19 như thế nào, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong quá trình ứng phó với đại dịch, qua vài lần điều chỉnh rút gọn chương trình cho thấy, chương trình dạy và học cần rà soát lại, đồng thời, cần xem xét lại hệ thống quản trị đối với ngành, từ Bộ cho đến các trường học để tăng khả năng ứng phó với mọi trường hợp.

Dạy và học trực tuyến cần thực hiện một cách bền vững

Nhiều ĐBQH cho rằng, thời gian qua ngành giáo dục đã có các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 tích cực, chủ động, phù hợp, với nhiều bài học đã được rút ra và nhiều kiến nghị về chính sách. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) nêu vấn đề, khi tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường thì những vấn đề lớn nào cần tiếp tục được đặt ra đối với ngành giáo dục? Và giải pháp chiến lược dài hạn nào để ứng phó với đại dịch, chủ động trong triển khai nhiệm vụ giáo dục.

Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình)
Ảnh: Quang Khánh

Cho rằng, “trong nguy cũng có cơ” khi đại dịch Covid-19 cũng tạo ra những cú hích, những cơ hội cho giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục đã tận dụng cơ hội này như thế nào cho tương lai?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, việc dạy và học trực tuyến trong tương lai cần thực hiện một cách bền vững. Theo đó, phải xây dựng được nền tảng đủ mạnh, với trang thiết bị, cơ sở vật chất thật đầy đủ thì việc dạy học trực tuyến với có thể bảo đảm được. 

Về phương diện con người, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đó là tinh thần, thái độ xem việc dạy học trực tuyến là một phần của chuyển đổi số lâu dài, một phần của chuyển đổi số quốc gia, chứ không chỉ là ứng phó với dịch bệnh; đồng thời, các giáo viên cần tăng cường các nguồn học liệu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, những văn bản chỉ đạo trong thời gian vừa qua, nếu có tính chất nhất thời, ứng phó thì sẽ rà soát để luật hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo nền tảng cho việc triển khai lâu dài và bền vững.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, sau khi triển khai dạy học trực tuyến, ngành sẽ có những nghiên cứu, khảo sát sâu về các phương diện chuyên môn, phương pháp dạy và học; nội dung kiểm tra, đánh giá thì để có tổng kết, đánh giá sâu hơn nhằm có sự điều chỉnh hợp lý hơn.  

Cơ hội để đổi mới, thay đổi những thói quen cũ

Trả lời chất vấn của đại biểu về tận dụng cơ hội cho tương lai, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc chuyển đổi trạng thái nền giáo dục từ bình thường sang ứng phó với dịch bệnh, từ dạy và học trực tiếp sang trực tuyến là cơ hội để đổi mới, thay đổi những thói quen cũ.

Hiện nay, ngành giáo dục đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương. Nhiều việc đã làm được, có những việc quyết tâm dù có dịch hay không thì vẫn tiến hành; song có những việc thuộc về thói quen, kỹ năng, nhận thức… Nhân dịp chuyển đổi sang dạy học trực tuyến, theo Bộ trưởng, đây là một cơ hội quan trọng để đổi mới, thực hiện chuyển đổi số quốc gia đối với giáo dục và đào tạo, đồng thời, là dịp để ngành nhìn ra những điểm còn bất cập trong cơ chế, chính sách phải điều chỉnh trong thời gian tới.

"Cũng trong quá trình ứng phó với đại dịch, qua vài lần điều chỉnh rút gọn chương trình cho thấy, chương trình dạy và học cần rà soát lại, kể cả phương diện nội dung, phương pháp, cách tổ chức… và xem xét lại hệ thống quản trị đối với ngành, từ Bộ cho đến các trường học để tăng khả năng ứng phó với mọi trường hợp", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk)
Ảnh: Quang Khánh

Trả lời chất vấn của ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) về kế hoạch tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách mới nào để ngành giáo dục thực sự thích ứng với trạng thái bình thường mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong quá trình ứng phó với đại dịch, một số chính sách triển khai tạm thời cần có nghiên cứu và xem xét thêm. 

Ví dụ có một số ý kiến cho rằng, khi dạy học trực tuyến thì giáo viên rất vất vả và áp lực. Như vậy cần phải quy đổi giờ không, tính giờ như thế nào để giáo viên đỡ thiệt thòi hay không? Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính toán, trước mắt toàn ngành thống nhất chưa nên đề xuất có cơ chế thêm thù lao theo giờ, bởi hiện ngành y tế, công an, quân đội và các ngành khác cũng đang rất vất vả chống dịch, tất cả đều làm việc hơn mức bình thường. Tuy nhiên, nếu công việc của giáo viên phải thực hiện lâu dài thì cần có quy định một chế độ chính sách ổn định.

Do đó, từ thực tế và rà soát các công việc đang triển khai thì ngành giáo dục sẽ tính toán để đề xuất Chính phủ một số các cơ chế, chính sách để ngành giáo dục và đào tạo được tốt hơn. 

T. Thành