Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh điều này khi Đoàn ĐBQH Hà Nội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), chiều 10.11.
Hà Nội phải là trung tâm, động lực phát triển của cả nước
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Thủ đô, Hà Nội đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6.1.2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước, mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước"- Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh.
Bí thư Thành uỷ cũng nêu rõ, nội dung quan trọng trong sửa đổi Luật Thủ đô lần này theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW là "phải xây dựng cơ chế chính sách vượt trội, đồng thời, tăng quyền và giao quyền cho Hà Nội triển khai thực hiện các lĩnh vực".
Đồng tình với quy định về phân cấp một số thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội, Bí thư Thành uỷ cho biết, HĐND thành phố có thể quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng. Hà Nội cũng cần được ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.
"Từ thực tiễn triển khai các dự án, đặc biệt là dự án Đường vành đai 4 Vùng Thủ đô còn một số vướng mắc trong thời gian qua, bên cạnh các quy định giao thẩm quyền về chủ trương thì các quy định pháp luật khác cũng phải đi theo, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện", Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh.
Đối với vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn (Điều 33) được quy định trong Dự thảo Luật, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Việc phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Việc quy hoạch nông thôn của Hà Nội rất quan trọng khi tiến trình đô thị hóa nông thôn ngày càng lớn.
Đáng chú ý, Hà Nội cần phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, với hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề cần được lưu giữ và phát triển. Đồng thời, chú trọng phát triển du lịch với mục tiêu là điểm đến của du khách, góp phần tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở các địa phương và qua đó tăng ngân sách cho thành phố. "Dù phát triển đô thị nhưng phải giữ được truyền thống văn hóa, không để đô thị hóa ảnh hưởng đến văn hóa nông thôn", Bí thư Thành uỷ Hà Nội lưu ý.
Xây dựng cơ chế đặc thù
Đánh giá Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, thể hiện tâm huyết của toàn bộ hệ thống chính trị thành phố, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai mong muốn Tờ trình sẽ được gia cố, nghiên cứu, bổ sung thêm những quy định đặc thù, vượt trội gắn với Thủ đô Hà Nội để có những bước phát triển mạnh mẽ, đột phá hơn, phù hợp với với vị trí, vị thế địa lý chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Góp ý một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề xuất, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên thực sự đột phá để phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, bền vững. Đại biểu cho rằng: Mục tiêu ngành nông nghiệp Hà Nội không nhất thiết phải là tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước như các tỉnh thành khác, mà quan trọng là cần cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm giá trị cao cho thành phố. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng khoa học cao cho các tỉnh lân cận.
"Thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới: Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp vùng ven đô, nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô. Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo đột phá, sự khác biệt và là động lực phát triển của nông nghiệp các tỉnh khác", đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu quan điểm.
Gớp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mặc dù đã có Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế cho thấy pháp luật về Thủ đô thời gian qua vẫn chưa đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, vì vậy, cần phải có những cơ chế quản lý, đầu tư khác biệt so với các địa phương khác. Do vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải đặt ra một cơ chế thực sự đặc thù, tạo ra được khuôn khổ pháp lý rộng hơn, áp dụng riêng cho Thủ đô; đòi hỏi Thủ đô phải được phát triển ở mức cao hơn, tiêu chuẩn phát triển cao so với các địa phương khác.
"Thủ đô là đô thị đặc biệt, nên cần cho thêm tiêu chuẩn đối với người tham gia HĐND phải cao hơn bởi vì phải giải quyết những vấn đề của quốc gia chứ không phải chỉ là vấn đề của một địa phương" - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Liên quan đến việc trọng dụng nhân tài, ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị, cần xem xét, bổ sung một số nội dung cụ thể như bố trí ngân sách, ưu đãi trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm; ưu đãi trong chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ và trong bảo tồn di sản đô thị.