Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Tăng độ bao phủ có thẻ Bảo hiểm y tế và sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh HIV/AIDS do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.
Thời gian qua, ngành y tế đã kiện toàn các cơ sở điều trị và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thanh toán khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho người bệnh về lợi ích khi tham gia BHYT và hỗ trợ mua thẻ BHYT để người nhiễm HIV yên tâm điều trị. Bên cạnh đó, BHXH TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với ngành y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh bằng BHYT với các cơ sở điều trị HIV/AIDS.
Năm 2022, TP. Hồ Chí Minh được giao bao phủ BHYT là 91,25% dân số. Để đạt được mục tiêu đó, BHXH T TP. Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. Đặc biệt, nhờ tích cực triển khai, số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có thẻ BHYT tăng theo từng năm. Đến nay, tại TP. Hồ Chí Minh có 4.460 bệnh nhân điều trị ARV sử dụng thẻ BHYT, chiếm tỷ lệ 95%, tạo điều kiện cho những người đang điều trị ARV dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế.
Việc gia tăng số người tham gia BHYT cũng như gia tăng số lượt khám chữa bệnh BHYT góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh có điều trị HIV/AIDS, người nhiễm HIV/AIDS khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật có liên quan đến khám chữa bệnh HIV/AIDS bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT theo quy định; tư vấn, hướng dẫn người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia BHYT lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại các bệnh viện hoặc Trung tâm Y tế quận, huyện trong địa bàn thành phố có chức năng điều trị HIV/AIDS...
Tại hội thảo, đại diện BHXH TP. Hồ Chí Minh cũng thông tin về những điều kiện để các cơ sở y tế trở thành Tổ chức dịch vụ thu (bán thẻ BHYT); thời gian thanh toán chi phí. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh thông tin về dự toán mua thẻ và quy trình thanh quyết toán. Cùng với đó, đại diện các đơn vị đã trao đổi về những bài học kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV, nhìn nhận các tồn tại và thách thức, trên cơ sở đó xác định các biện pháp để mở rộng tiếp cận, cải thiện chất lượng dịch vụ, bảo đảm sự bền vững của chương trình điều trị HIV/AIDS...