Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tăng cường xem xét trách nhiệm người đứng đầu

- Thứ Năm, 21/10/2021, 16:03 - Chia sẻ
Từ kết quả giám sát, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy tăng cường kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân.
	Hội nghị góp ý báo cáo chuyên đề giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ảnh: Minh Đức
Hội nghị góp ý báo cáo chuyên đề giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ảnh: Minh Đức

Chưa bảo đảm số ngày tiếp dân

Luật Tiếp công dân quy định tiếp dân định kỳ 1 ngày/tháng đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh; 2 ngày/tháng đối với Chủ tịch UBND cấp huyện và 1 ngày/tuần đối với Chủ tịch UBND cấp xã. Kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp năm 2021 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho thấy, các Chủ tịch UBND cấp tỉnh cơ bản đã tổ chức tiếp công dân định kỳ theo quy định. Một số địa phương Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động tổ chức tiếp dân đột xuất, tiếp đoàn đông người để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương. Sau các buổi tiếp dân định kỳ hàng tháng, các Chủ tịch UBND cấp tỉnh đều ban hành văn bản để chỉ đạo giải quyết vụ việc.

Tuy vậy, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định của Luật Tiếp công dân. Trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân 1 - 2 ngày, thậm chí có người không tiếp dân ngày nào. Nhiều địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Tiếp công dân tiếp dân thay.

Nội dung tiếp công dân chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khiếu nại, phản ánh liên quan đến chế độ chính sách; trình báo, phản ánh tình hình an ninh trật tự; đề nghị thực hiện các quyết định đã có hiệu lực…

Qua giám sát cũng cho thấy, công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính các cấp trên một số lĩnh vực, trong đó lĩnh vực đất đai còn hạn chế, nhất là trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính; thông tin, giải thích, trả lời các nội dung đề nghị của công dân chưa tốt, gây bức xúc cho các hộ dân, làm phát sinh đơn khiếu nại.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021 việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có nhiều sai sót, nhất là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền thấp (76,3%, giảm 7,2% so với năm 2020), chưa đạt mục tiêu đề ra (85%), nhất là giải quyết khiếu nại (71,3%); tỷ lệ thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại (85,9%), kết luận nội dung tố cáo (82,5%) thấp hơn so với năm 2020 (khiếu nại 99,2%, tố cáo 97,5%) và thấp hơn mục tiêu đề ra (90%); số cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về việc tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo giảm 17% so với năm 2020.

Bổ sung chế tài xử lý vi phạm

Từ kết quả giám sát, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tăng cường kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cùng với việc ban hành quy định các biện pháp, chế tài làm cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu do không thực hiện tiếp công dân, không trực tiếp chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm trễ (quá thời hạn) để xảy ra vụ việc bức xúc, đông người, kéo dài, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng kiến nghị tăng thời hạn giải quyết khiếu nại (lần đầu, lần hai) liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư để việc giải quyết khiếu nại bảo đảm chất lượng, hiệu quả; bổ sung chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại vi phạm quy trình và thời hạn giải quyết…

Tại Hội nghị “Góp ý báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp năm 2021” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 11.10, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về vấn đề bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân - chủ thể quan trọng nhất trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó kịp thời đưa ra hướng xử lý kịp thời, đúng đắn nhất để lo cho dân; giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân thông qua các buổi đối thoại; đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong quá trình thực hiện chức năng giám sát của Mặt trận trong lĩnh vực này...

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, ý kiến của các đại biểu sẽ được tiếp thu, hoàn thiện báo cáo và gửi tới những cơ quan, ban, ngành có liên quan để công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp năm 2021 đạt kết quả cao nhất; qua đó góp phần nâng cao chất lượng tiếp công dân cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

Hiền Hạnh