Chuyên mục Góp ý kiến dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng:

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng

- Chủ Nhật, 06/12/2020, 09:06 - Chia sẻ
Xây dựng, chỉnh đốn nhằm làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Nhấn mạnh điều này, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cần tiếp tục được tăng cường, đổi mới, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ tới.

ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại đấu tranh, phê bình và tự phê bình

Trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã chú trọng đến công tác tổ chức xây dựng Đảng. Chúng ta có những tuyên ngôn rất mạnh mẽ như chống chạy chức, chạy quyền và trở thành quyết tâm chính trị rất lớn trong Đảng. Đảng có những quy định rất cụ thể về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, bổ nhiệm cán bộ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ, tạo chuyển biến trên thực tế. Đây là những điểm rất quan trọng trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng.

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng có nêu những tồn tại, hạn chế. Nhưng thực tế cho thấy, có những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức cán bộ mà ở mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị chúng ta thấy rõ nhưng chưa chỉ ra được. Một trong những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ là việc "chỉ mặt điểm tên” những người không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất tham gia cấp ủy rất khó khăn. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rất rõ quan điểm, “không để lọt vào cấp ủy những người không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất...”, nhưng trên thực tế để làm được điều đó thì còn khó khăn. Khó là bởi vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, ngại đấu tranh, phê bình và tự phê bình trong công tác cán bộ... Điều này cần được tổng kết, đánh giá kỹ hơn và nêu rõ hơn trong dự thảo văn kiện trình Đại hội để có biện pháp khắc phục.

ĐBQH Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang): Nên đánh giá về sự nêu gương của cán bộ được bổ nhiệm

Một trong những vấn đề cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm, đó là sự suy thoái đạo đức, lối sống dẫn đến vấn đề tham nhũng và tự chuyển hóa. Vấn đề này trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu và thực tiễn đang diễn ra. Thời gian vừa qua, vấn đề này có hai mặt: phòng và chống. Tuy nhiên, tôi thấy nó nghiêng về "chống" nhiều hơn, còn những biện pháp liên quan đến phòng còn mờ nhạt. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên cũng rất quan tâm đến vấn đề nêu gương. Sự nêu gương là một đức tính tự giác của con người. Trong con người có nhiều đức tính nhưng tính tự giác là sự nêu gương thì rất khó để thể hiện ra và đôi khi bị lấn át.

Thời gian vừa qua, chúng ta đã có rất nhiều văn bản liên quan đến vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, nhưng thực tế sự nêu gương này như thế nào, đã đi vào cuộc sống hay chưa? Đây là một trong 5 bài học kinh nghiệm nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị. Tôi đề nghị trong dự thảo Báo cáo Chính trị cần bổ sung giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn về vấn đề này, nhất là sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo. Đặc biệt phải bổ sung điều kiện khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo phải có sự đánh giá về vai trò, trách nhiệm nêu gương và sự nêu gương đó phải được đánh giá trên các mặt, ví dụ từ lời nói, hành động đến trách nhiệm trong công việc, đạo đức, lối sống… Ngoài tiêu chí đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thì nên đánh giá xem vấn đề nêu gương của cán bộ được bổ nhiệm như thế nào và phải lấy phiếu cụ thể ở nơi công tác và nơi cư trú. 

ĐBQH Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc): Hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ

Sau khi nghiên cứu dự thảo các Văn kiện, về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tôi cơ bản nhất trí với các nội dung nêu trong dự thảo. Cơ bản các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cũng đã bao quát hết những nội dung cần triển khai trong nhiệm kỳ tới. Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dự thảo nêu sẽ xây dựng các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Thực tế, việc này vừa dễ, vừa khó, vì cần cân nhắc kỹ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tuy nhiên, việc này đúng là phải làm. Đối với người đứng đầu, tôi thấy ở đây có bổ sung phần thẩm quyền, rất hay nhưng theo tôi là chưa đầy đủ. Có lẽ phải nghiên cứu thêm và cần bổ sung thẩm quyền ở nhiều nhiệm vụ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị khác đối với Bí thư cấp ủy. Hiện nay, có rất nhiều nội dung, rất nhiều trách nhiệm gắn với Bí thư cấp ủy. Tuy nhiên, thẩm quyền riêng của Bí thư cấp ủy gần như không có hoặc không rõ ràng. Do đó, khi kiểm điểm, đánh giá, chúng ta không rõ thẩm quyền cá nhân nên còn khó khăn. Khi tất cả các nội dung khác, các mức độ hoàn thành nhiệm vụ hoặc không hoàn thành đều đánh giá và gắn vào trách nhiệm người đứng đầu thì không chỉ có đánh giá năm công tác của cán bộ mà còn nhiều nội dung khác trong thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm đối với người đứng đầu.

ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương): Tránh “bỏ lọt” những đảng viên vi phạm 

Hiện nay, vấn đề phát triển đảng viên mới tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước còn yếu. Cho nên, phải có cách để phát triển đảng viên mới, vì không có phần này chúng ta sẽ thiếu đi thành phần đảng viên trong công nhân. 

Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII có đưa ra 10 nhóm giải pháp, nhưng chưa nói tới giải pháp phải sớm thể chế hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ, chứ không phải là "mối quan hệ". Ở đây trình bày là mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Theo tôi, muốn thắt chặt là phải thể chế hóa cơ chế này. Đảng lãnh đạo thế nào? Nhà nước quản lý thế nào? Nhân dân làm chủ thế nào? Phải thể chế hóa sẽ khoa học và dễ thực hiện hơn.

Hiện nay, thời hiệu xử lý kỷ luật đảng viên được quy định cụ thể trong hai trường hợp: đối với hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách thì thời hiệu xử lý được tính là 5 năm kể từ ngày diễn ra hành vi vi phạm. Đối với hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức thì thời hiệu xử lý được tính là 10 năm kể từ ngày diễn ra hành vi vi phạm. Nếu thời hiệu xem xét chậm như thế thì có coi như sẽ bị "lọt lưới" biết bao nhiêu đảng viên vi phạm? Anh có bạn bè thân quen, nhóm lợi ích gì để 5 năm sau coi như anh "tuột khỏi tay", tức là không kỷ luật được đảng viên sau 5 năm vi phạm. Do đó, đề nghị xem xét lại chỗ này.

Bên cạnh đó, theo tôi nên có một quy định về phát triển đảng viên trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đây là đội “hậu bị” cho nên cần có quy định để quy trình hóa việc rèn luyện, phấn đấu của thanh niên, của đoàn viên thanh niên cộng sản. Nếu như có một quy trình chặt chẽ như thế, sẽ góp phần xây dựng Đảng trước một bước, tức là xây dựng Đảng ngay trong lòng của đội ngũ thanh niên thì tốt hơn nhiều.

Nhật An