Tăng cường vai trò quản lý nhà nước
Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ, đến nay, bối cảnh phát triển KT - XH của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ để thích ứng với các thay đổi của thị trường. Bên cạnh đó, thực tiễn phát triển KT - XH trong nước cũng đặt ra yêu cầu mới trong công tác quản lý công nghệ, thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc một mặt bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, mặt khác kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để bảo đảm gìn giữ môi trường và phát triển bền vững.
Dự án Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi với 6 chương, 63 điều đã điều chỉnh, sửa đổi bao quát các nội dung từ phạm vi điều chỉnh, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN), phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH - CN), quản lý hoạt động ứng dụng và CGCN đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN.
Ngoài những nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KHCN; thu hút CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, đẩy mạnh CGCN trong nước, khuyến khích CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài; một nội dung mới được đưa vào Luật, đó là tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động ứng dụng, CGCN nhằm ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh và sự phát triển bền vững của quốc gia.
Với định hướng như vậy, dự án Luật đã dành một chương để quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Hiện nay, theo Luật Đầu tư, chỉ có những dự án đầu tư sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao mới lấy ý kiến về công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Để bảo đảm công nghệ trong các dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường được xem xét ngay trong giai đoạn đầu, Điều 14 dự thảo Luật đã quy định thêm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mà có sử dụng công nghệ phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có ý kiến về công nghệ ngay trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư. Các cơ quan có trách nhiệm xem xét, có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư trong giai đoạn này gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan chuyên môn về KH - CN thuộc UBND tỉnh, thành phố. Hơn nữa, không chỉ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư mà ngay cả trong giai đoạn quyết định đầu tư, đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn khác, việc có ý kiến về công nghệ cũng được đặt ra và được quy định đầy đủ trong dự án Luật.
Về quản lý CGCN, với cách tiếp cận quản lý theo từng danh mục công nghệ, trong dự án Luật đã quy định rõ tiêu chí xác định đối với công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao. Đối với công nghệ hạn chế chuyển giao, để bảo đảm kiểm soát, ngăn ngừa những công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét và cấp phép CGCN. Đối với công nghệ khuyến khích chuyển giao, dự thảo Luật quy định cơ chế đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về KH - CN để cơ quan quản lý nhà nước nắm được nội dung công nghệ chuyển giao, giám sát việc ứng dụng để hạn chế tình trạng nhập khẩu tràn lan, trùng lặp gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Đồng thời việc đăng ký cũng giúp ngăn ngừa, hạn chế hiện tượng chuyển giá qua hoạt động CGCN, gây thất thu thuế của Nhà nước.
Để khắc phục thực trạng hiện nay về việc buông lỏng khâu kiểm tra, giám sát, trong dự thảo Luật cũng dành một điều quy định về trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ. Điều này thể hiện sự quản lý đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động ứng dụng, CGCN trong suốt quá trình từ xem xét chủ trương đến triển khai, vận hành.Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động CGCN là cần thiết, đặc biệt CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam nhằm thu hút được công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) trình QH tại Kỳ họp này đã có những tiến bộ rõ rệt, khoa học hơn; đặc biệt, đã tiếp thu những ý kiến sâu sắc của ĐBQH, chuyên gia về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, thẩm định công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ… Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở đổi mới tư duy và phương thức quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ phù hợp với bối cảnh mới, xu thế phát triển công nghệ mới để ứng phó được với các tác động của tự do hóa thương mại và hội nhập toàn cầu; giảm thiểu thủ tục hành chính với doanh nghiệp; bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Tôi tin tưởng, dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sẽ nhận được sự đồng thuận cao của QH tại kỳ họp này.
Tôi đánh giá cao Ban soạn thảo và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã mạnh dạn bổ sung nhiều quy định mới, cũng như các giải pháp vào dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) nhằm khắc phục điểm nghẽn bấy lâu nay cản trở hoạt động chuyển giao công nghệ. Một mặt, khuyến khích các đối tượng chịu sự điều chỉnh bằng những giải pháp cụ thể, một mặt phải có hình thức khen thưởng, hoặc xử lý những tổ chức, cá nhân không tích cực tham gia vào các hoạt động chuyển giao công nghệ. Dự thảo Luật có những điều khoản rất cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia vào nghiên cứu khoa học cũng như chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, phải có giải pháp mang tính ràng buộc để các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tham gia thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào cuộc sống.
Tôi đánh giá cao Ban soạn thảo đã chuẩn bị Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) rất công phu để trình QH, đặc biệt trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH kỳ họp trước, cơ quan tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung sâu sắc vào dự thảo luật như về phát triển thị trường khoa học và công nghệ; chính sách khuyến khích thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước… Tuy nhiên qua nghiên cứu dự án Luật, tôi đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn khi thẩm định về vấn đề chuyển giao công nghệ. Chúng ta phải quy định rất rõ, thành phần của những tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định công nghệ và trách nhiệm của hội đồng thẩm định. Đặc biệt, những người được mời vào Hội đồng thẩm định phải là người có đủ năng lực, đồng thời phải liên đới chịu trách nhiệm về công nghệ đã được chuyển giao, thậm chí tính đến việc xử lý trách nhiệm hình sự. Tránh tình trạng “rỉ tai” tạo lợi ích nhóm ngay trong hội đồng thẩm định công nghệ, đến khi xảy ra hậu quả thì “rũ áo” không ai chịu trách nhiệm, gây lãng phí thất thoát cho Nhà nước. CHÍ TUẤN thực hiện |