Tai nạn do pháo trong dịp Tết

Tăng cường tuyên truyền Nghị định số 137/2020

- Thứ Sáu, 19/02/2021, 08:40 - Chia sẻ
Mặc dù Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo quy định rất rõ: Các tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa, và, chỉ cho phép người dân đốt pháo hoa chứ không phải pháo nổ hay pháo hoa nổ. Dẫu vậy, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, do chưa nắm rõ tinh thần của Nghị định 137 hoặc cố tình hiểu sai, nhiều người dân vẫn “vô tư” sử dụng pháo bánh, pháo hoa nổ, hệ quả là có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.

Nhiều người bị tai nạn do pháo

Nghị định số 137/2020/NÐ-CP về quản lý, sử dụng pháo chính thức có hiệu lực từ ngày 11.1.2021, thay thế cho Nghị định số 36/2009/NÐ-CP về quản lý sử dụng pháo chỉ cho phép người dân đốt pháo hoa, nhưng người sử dụng pháo hoa phải từ đủ 18 tuổi trở lên và đủ năng lực hành vi dân sự. Đặc biệt, chỉ cho phép tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Nghị định hoàn toàn cấm cá nhân sử dụng pháo hoa nổ, nếu người dân cố tình sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dẫu vậy, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều địa phương như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hà Nam, Bình Thuận, Hải Phòng, Lâm Đồng... đã diễn ra tình trạng đốt pháo bánh, pháo hoa nổ. Hệ quả là chỉ trong 3 ngày đầu Tết Nguyên đán, hệ thống y tế cả nước đã ghi nhận có 321 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại (nhiều hơn 34 ca so với cùng kỳ năm ngoái). Đơn cử qua thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong đêm giao thừa đến rạng sáng 12.2 (tức mùng 1 Tết năm Tân Sửu 2021), Khoa cấp cứu, bệnh viện này đã tiếp nhận liên tiếp 4 bệnh nhân bị tai nạn hư mắt, nát tay... do pháo nổ. Cụ thể, sau khi chơi pháo đêm giao thừa, nam bệnh nhân B.X.T (21 tuổi, ngụ Bình Phước) được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu lúc 2 giờ 51 ngày 12.2 với vết thương dập nát bàn tay. Tương tự, lúc 22 giờ đêm giao thừa, bệnh nhân N.N.C (25 tuổi, ngụ Lâm Đồng) chơi pháo và bị pháo nổ vào tay. Bệnh nhân N.T.L (42 tuổi, Bình Thuận) đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy do bị pháo nổ làm chấn thương 2 mắt và tay phải. Một ví dụ khác, từ ngày 30 Tết đến mùng 6 Tết Nguyên đán Tân Sửu, Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân bị tai nạn thương tích do pháo nổ. 

Thông tin về vấn đề này, Cục Cảnh sát Quản lý hánh chính và trật tự xã hội, (C06), Bộ Công an cho biết, mặc dù số lượng pháo trái phép được phát hiện, bắt giữ cũng như số trường hợp tai nạn do pháo trong dịp Tết Nguyên đán có giảm hơn so với cùng kỳ năm trước (giảm 245,256kg, giảm hơn 36%). Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp tai nạn do đốt pháo gây hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nguyên nhân của tình trạng này do một số bộ phận người dân vẫn đang lầm tưởng Nghị định số 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo cho phép đốt tất cả các loại pháo. Trong khi đó, Nghị định số 137/2020 chỉ cho phép người dân đốt pháo hoa chứ không phải pháo nổ hay pháo hoa nổ. Bên cạnh đó, cũng do ý thức chấp hành quy định pháp luật của một bộ phận người dân còn kém nên đã vô tình tự gây hậu quả cho chính mình.

Những đối tượng đốt pháo hoa nổ trái phép trong dịp Tết Nguyên đán 2021 được cơ quan công an huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh triệu tập

Nguồn: ITN

Tăng cường tuyên truyền

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát Quản lý trật tự xã hội, Bộ Công an, trong 7 ngày Tết, Công an 63 địa phương đã phát hiện, bắt giữ 1.868 vụ với 2.003 đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép. 

Để việc triển khai thực hiện Nghị định số 137/2020 của Chính phủ bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo, ngày 9.2.2021, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm đã có Công điện gửi Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn việc sử dụng pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cụ thể, yêu cầu Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn sử dụng pháo trái phép. Riêng thời điểm đêm Giao thừa phải huy động tối đa lực lượng tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, lập chốt, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các vi phạm về pháo...

Từ Công điện này, Công an các địa phương đều có văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố tổ chức quán triệt thực hiện và tuyên truyền những nội dung cơ bản của nghị định đến toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện hiệu quả Nghị định số 137/2020. Đặc biệt, nhiều địa phương đã bố trí, tăng cường quân số, huy động tối đa lực lượng tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, lập chốt để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các vi phạm về pháo. Nhờ đó, nhiều vụ việc tàng trữ, đốt pháo bánh, pháo nổ đã được lực lượng kịp thời phát hiện, xử lý. Đơn cử tại Đồng Nai, trong đêm giao thừa, gần 300 tổ tuần tra trên tất cả các tổ dân phố cùng với hai tổ quan sát, lực lượng chức năng được huy động, qua đó đã kịp thời phát hiện 118 vụ với 118 đối tượng sử dụng, tàng trữ trái phép pháo nổ. Tương tự tại tỉnh Hà Nam, trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, TP; đặc biệt là lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đi từng ngõ, vận động từng hộ dân chấp hành nghiêm Nghị định số 137 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Kết quả, phát hiện, bắt quả tang 3 vụ gồm 3 trường hợp đốt pháo nổ trái phép; đồng thời vận động, quần chúng Nhân dân tự giác nộp gần 1kg pháo nổ; 10 quả pháo tự chế ngay trong đêm giao thừa. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Phòng, trong đêm giao thừa Tết Tân Sửu 2021, lực lượng công an các địa phương cũng đã ra quân tổng lực, qua đó phát hiện, xử lý nhiều trường hợp cố tình vi phạm về quản lý, sử dụng pháo trái phép...

Tuy nhiên, nhìn tổng thể từ các vụ việc tai nạn do pháo nổ gây ra trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 mà ngành y tế vừa công bố cho thấy, không ít người dân vẫn còn thờ ơ trong việc chấp hành quy định pháp luật về pháo. Theo đó, để Nghị định số 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo được thực hiện có hiệu quả, để mỗi dịp Tết đến xuân về không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc do pháo nổ gây ra, thiết nghĩ việc truy trách nhiệm người đứng đầu trong việc để vi phạm về pháo mà một số địa phương đã áp dụng là cần thiết.

Song nếu chỉ như vậy thì chưa đủ, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Nghị định số 137/2020 để người dân hiểu đúng về nghị định. Đặc biệt, đối với nhóm thanh, thiếu niên hiếu động, cần có biện pháp, hình thức tuyên truyền về nghị định để họ có thể nhận thức rõ về sự nguy hiểm của pháo nổ, pháo tự chế. Bởi chỉ khi ý thức của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi khu dân cư, khu phố được nâng lên… mọi người sẽ tự giác nhắc nhở, vận động nhau không sử dụng các loại pháo nổ vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng bản thân và người xung quanh.

Bảo Hân