Tăng cường truyền thông thích ứng với biến đổi khí hậu

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 07:18 - Chia sẻ
Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu không thể tiến hành một cách riêng rẽ mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng dân cư và các bên liên quan. Đặc biệt công tác truyền thông luôn có vai trò quan trọng trong việc thay đổi thái độ, hành vi, thúc đẩy người dân tự nguyện, tự giác tham gia vào các hoạt động mang tính cộng đồng, đặc biệt là về vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, cách đây khoảng 10 năm tại vùng ĐBSCL, chỉ khoảng 30 - 40% người dân theo dõi và biết tình hình BĐKH, thiên tai, nhưng mấy năm trở lại đây, tỷ lệ này đã tăng lên từ 70 - 80%. Các yếu tố cực đoan của BĐKH đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây trồng của người dân. Sự chủ động tiếp cận thông tin sẽ giúp họ nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách, quy hoạch sản xuất, từ đó, họ triển khai giải pháp ứng phó, thích nghi bằng việc chuyển đổi cây trồng, đưa các giống lúa chịu phèn, chịu mặn, chịu ngập vào sản xuất. "Song song với công tác truyền thông của các cơ quan báo chí, các sở, ban ngành, hội đoàn thể ở mỗi địa phương vùng ĐBSCL cũng đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền về các giải pháp ứng phó với BĐKH cho cán bộ, công chức, người dân nhằm góp phần bảo vệ diện tích cây trồng, vật nuôi trước những thách thức từ hạn hán, xâm nhập mặn", ông Tuấn nói.

Các chuyên gia, nhà khoa học vùng ĐBSCL cho biết, BĐKH diễn biến ngày càng nhanh mạnh và bất thường, vì vậy trong thời gian tới, Bộ TN - MT cần thường xuyên cập nhật kiến thức mới về môi trường và BĐKH cho những người làm báo. Cùng với đó, Bộ TN - MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành những chính sách liên quan đến vấn đề truyền thông về BĐKH để nâng cao nhận thức và hành động thích ứng cải thiện môi trường và BĐKH của các cơ quan quản lý, cộng đồng xã hội.

Giáo sư, TS. Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BÐKH cho rằng: Ðể nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông BÐKH, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần cung cấp kịp thời thông tin về BÐKH cho các cơ quan truyền thông. Phân công rõ ràng trách nhiệm các bên liên quan trong truyền thông BÐKH, như: thu thập, tổng hợp, hệ thống hóa cung cấp thông tin, dữ liệu. Công tác truyền thông cần tập trung tuyên truyền các mô hình, cách làm hay trong chủ động thích ứng BÐKH như: các phương án, cách thức thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh, tổ chức đời sống dân cư để thích nghi với điều kiện BÐKH. Các cơ quan báo chí, truyền thông phải là cầu nối, đưa các chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề BÐKH vào thực tiễn cuộc sống; phản ánh kịp thời những tác động của cơ chế, chính sách để đưa ra các giải pháp, mô hình cụ thể cho từng vùng trước sự tác động của BÐKH. Ngoài ra, cần đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho người làm công tác truyền thông về BÐKH.

Song song với công tác truyền thông của các cơ quan báo chí, các sở, ban ngành, hội đoàn thể ở mỗi địa phương vùng ĐBSCL cũng đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền về các giải pháp ứng phó với BĐKH cho cán bộ, công chức, người dân nhằm góp phần bảo vệ diện tích cây trồng, vật nuôi trước những thách thức từ hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhận thức được mối nguy cơ của BĐKH gây thiệt hại cho sản xuất lúa của địa phương, thời gian qua, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân luôn được tỉnh Hậu Giang triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị. Qua đó, các nội dung kế hoạch hành động của tỉnh theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH được lồng ghép vào các hoạt động của ngành, địa phương. Công tác truyền thông đã giúp người dân ứng phó hiệu quả với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm gần đây. Ông Nguyễn Thanh Quốc (ngụ ấp 4, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ) cho biết: Để có đủ nguồn nước, tôi thường xuyên theo dõi tin tức nên biết được tình hình diễn biến hạn, mặn, từ đó, chủ động tích trữ nước vào kênh, ao bảo đảm cho việc sản xuất hơn 4 công lúa của gia đình. Thời gian tới, các cơ quan truyền thông tiếp tục tăng cường và đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng sinh động, hấp dẫn, sử dụng các hình thức và phương tiện truyền thông hiện đại, có sức hấp dẫn đối với người dân; đồng thời, xây dựng các chương trình tuyên truyền về ứng phó với BĐKH chuyên sâu, phù hợp với từng đối tượng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Theo Ths. Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ, trước những tác động của BĐKH, trong thời gian tới, một mặt truyền thông cần tập trung đưa các thông tin liên quan đến tình hình sản xuất, mặt khác phân tích các nguy cơ tương lai như hạn hán, xâm ngập mặn đối với cộng đồng. Đồng thời, đưa ra các giải pháp tổng hợp liên quan nhiều ngành, nghề, khuyến khích người dân tự bảo vệ mình, gia đình, làng xã và tạo động lực cùng chung tay hành động ứng phó với BĐKH. Các công cụ truyền tải thông tin cần đa dạng đáp ứng theo từng nhóm đối tượng. Về hình thức, ngoài truyền thông theo truyền thống thì các địa phương vùng ĐBSCL mạnh dạn lồng ghép công tác ứng phó với BĐKH vào các trò chơi, thi đua sáng tác kịch bản nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về những thách thức cũng như cơ hội từ BĐKH đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL.

Các chuyên gia, nhà khoa học vùng ĐBSCL cho biết, BĐKH diễn biến ngày càng nhanh mạnh và bất thường, vì vậy trong thời gian tới, Bộ TN - MT cần thường xuyên cập nhật kiến thức mới về môi trường và BĐKH cho những người làm báo. Cùng với đó, Bộ TN - MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành những chính sách liên quan đến vấn đề truyền thông về BĐKH để nâng cao nhận thức và hành động thích ứng cải thiện môi trường và BĐKH của các cơ quan quản lý, cộng đồng xã hội.

Tùng Lâm