Tại hội nghị, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT nêu rõ những lo ngại về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tại Việt Nam. Theo các báo cáo giám sát và khảo sát từ các Ủy ban của Quốc hội, tỷ lệ người dùng, đặc biệt trong giới trẻ, học sinh và sinh viên, đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Đáng chú ý, tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để buôn bán và sử dụng các chất ma túy trái phép cũng đang diễn ra, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và an ninh xã hội.
Bên cạnh đó, các báo cáo, nghiên cứu cũng chỉ ra những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự, môi trường như: Tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, làm suy giảm sự trưởng thành não bộ, giảm khả năng học tập, năng suất lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên; gây cháy nổ, thương tích khi thiết bị điện tử hỏng, lỗi…
Đáng chú ý, tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để buôn bán và sử dụng các chất ma túy trái phép cũng đang diễn ra, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và an ninh xã hội. Trong quý I.2024, công an cả nước đã phát hiện, xử lý 111 vụ, 152 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có 33 vụ với 73 đối tượng bị khởi tố do phạm tội về ma túy, còn lại bị xử lý lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã nghe thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) trình bày chuyên đề “Tình hình thực thi chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá trên thế giới và tại Việt Nam”.
Bà Hương cho biết, liên quan đến tác hại của thuốc lá có 25 căn bệnh, gây trên 85 ngàn ca tử vong/năm. Hút thuốc thụ động làm chết 18.800 ca/năm. Về gánh nặng kinh tế do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam gây tốn kém 19 ngàn tỷ đồng tiền mua thuốc. Chi phí khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá tốn chi phí 108 ngàn tỷ đồng/năm. Vì vậy, cần tuyên truyền tác hại và không sử dụng thuốc lá.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương, đại diện Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu – Vital Strategies đã trình bày tham luận về “Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng – sự thật về chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá; quan điểm giảm hại đối với thuốc lá điếu bằng thuốc lá nung nóng; những quan ngại của việc tăng thuế thuốc lá”.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội nói về các ca viêm phổi cấp trên thế giới và Việt Nam do thuốc lá mới, cơ chế gây bệnh, mức độ nguy hiểm và mối liên quan của bệnh này với thuốc lá mới.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, thuốc lá gây ra 28 nhóm bệnh khác nhau. Đặc biệt là ung thư, các bệnh tim mạch, hô hấp; ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và sinh dục…
Bộ Y tế cũng đề ra các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như: tăng thuế thuốc lá, ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, tăng cường thực hiện môi trường không khói thuốc, thay đổi cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá.
Việc các cơ quan báo chí, các đơn vị làm công tác thông tin, tuyên truyền cùng chung tay đẩy mạnh truyền thông về tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là việc làm cấp thiết và lâu dài; nhằm loại bỏ thói quen dùng thuốc lá, phòng, tránh các bệnh liên quan đến thuốc lá một cách có hiệu quả…