Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Tăng cường quy định công khai, gắn với kiểm tra, giám sát

- Thứ Ba, 26/10/2021, 05:51 - Chia sẻ
Thảo luận ở tổ sáng 25.10 về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng: Nên giao cho các địa phương tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên tập trung ban hành chính sách và kiểm tra, giám sát các hoạt động này. Thực tiễn thể chế Luật nên cụ thể trong nghị định, hạn chế thông tư do liên quan đến nhiều bộ, ngành; tăng cường quy định công khai, minh bạch gắn với kiểm tra, giám sát.

Tăng cường quy định minh bạch gắn với kiểm tra, giám sát

Đóng góp ý kiến vào dự án luật, ĐBQH Cầm Hà Chung (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh) cho rằng: Tại Điều 9 về bảo hiểm bắt buộc, đề nghị không nên liệt kê chi tiết các loại hình bảo hiểm bắt buộc, vì mỗi khi bổ sung 1 loại hình bảo hiểm bắt buộc thì sẽ phải sửa Luật.

Đối với Điều 46, hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị. Đây là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không được cố ý giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị. ĐBQH Cầm Hà Chung đề nghị, Luật cần làm rõ “Giá thị trường” là giá nào? “Giá thị trường còn lại” của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng hay “Giá thị trường thay thế mới” của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Bởi thực tế hiện nay, các doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài vẫn chấp nhận tái bảo hiểm các hợp đồng bảo hiểm tài sản theo giá trị khôi phục hoặc giá trị thay thế mới.

Về những vấn đề phát sinh trong thực tiễn kinh doanh bảo hiểm, theo đại biểu, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang rất phát triển vì hoạt động theo đúng thông lệ, tập quán quốc tế. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang bị méo mó vì không theo đúng tập quán, thông lệ chung nên hiện gần như không có doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn nước ngoài hoạt động. Vấn đề tuân thủ bảo hiểm bắt buộc theo Luật, hiện nay chỉ có nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được các bên liên quan được chấp hành nghiêm túc vì thường xuyên chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Còn lại, các nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc khác như: Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, các bên liên quan trực tiếp chưa tuân thủ nghiêm túc. Cá biệt, Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường” thậm chí còn chưa có nghị định hướng dẫn.

“Vì vậy, thực tiễn thể chế Luật nên cụ thể trong nghị định, hạn chế thông tư do liên quan đến nhiều bộ, ngành; tăng cường quy định công khai, minh bạch gắn với kiểm tra, giám sát” - đại biểu đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Cầm Hà Chung thảo luận tại tổ

Ảnh: Huy Thắng

Nên giao cho các địa phương

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, về bảo hiểm vi mô (Chương IV), đây là quy định mới được cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự án Luật sửa đổi lần này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thành Nam đề nghị: Cần đánh giá tác động cụ thể, khảo sát ý kiến Nhân dân làm căn cứ về sự cần thiết đưa vào quy định tại dự thảo Luật lần này hay không, vì đối tượng tác động của bảo hiểm vi mô khá rộng. Theo đại biểu, cần đưa loại hình này thành bảo hiểm về sức khỏe và con người (bảo hiểm nhân thọ), vì tính chất khá tương đồng với loại hình bảo hiểm trên. Đồng thời, cần giải thích từ ngữ cụ thể để người dân hiểu và tham gia, song song với đó là việc cụ thể hóa các quy định về đối tượng, hình thức, hạn mức tham gia...

Đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Chương VII), qua nắm bắt tình hình thực tế ở địa phương và ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần đánh giá quy định việc Bộ Tài chính tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, mà nên giao cho các địa phương (tại điểm k, khoản 2, Điều 151). Lý giải đề xuất này, đại biểu cho rằng, việc tập trung một đầu mối ở Trung ương gây khó khăn cho việc tham gia kinh doanh bảo hiểm ở các địa phương do điều kiện địa lý, chi phí khác tăng cao. Mặt khác, không phù hợp với yêu cầu xã hội hóa ngày càng cao hiện nay vì hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các dịch vụ kèm theo là một nghề kinh doanh như nhiều ngành nghề khác; đa số hệ thống các trường đào tạo, hoạt động kinh doanh nằm ở địa phương.

“Tôi nhất trí với ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên tập trung vào việc ban hành chính sách và kiểm tra, giám sát các hoạt động này. Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp, đăng ký và quản lý hành nghề, kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp... nên giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp như đối với các hoạt động khác (chứng khoán, đấu giá tài sản...)” - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.

THÁI HÒA