Thị xã Sông Cầu

Tăng cường quản lý khu vực rừng phòng hộ ven biển

- Thứ Năm, 21/05/2020, 10:39 - Chia sẻ
Tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn thị xã sông Cầu, Phú Yên là 32.027,57ha, chủ yếu là đất rừng sản xuất 23.310,59ha, còn lại là đất rừng phòng hộ 8.716,98ha. Thị xã là một trong ít địa phương đến nay đã hoàn thành phương án chuyển loại rừng sau rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, làm cơ sở quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp theo quy hoạch. Việc giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống của người dân, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng bừa bãi. Ngoài ra, công tác giao khoán cho các đối tượng tham gia theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng được triển khai từng bước có hiệu quả, với tổng mức đầu tư là 1.223,76 triệu đồng, đã giải ngân đến nay được 519,6 triệu đồng.

Giám sát tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng tại cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức giai đoạn 2011 - 2019 tại thị xã, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Phú Yên đã chỉ ra một số bất cập. Đó là việc chưa kịp thời xử lý các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng (26 vụ, với diện tích thiệt hại 640,93ha), khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, quy định giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp còn chưa đồng bộ nên một số khu vực, vị trí xác định loại đất, loại rừng không thống nhất, số liệu về kết quả thống kê, kiểm kê đất đai không khớp với diễn biến rừng… Những hạn chế về nhân lực, kinh phí đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, cắm mốc thực địa… ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn.

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu các cấp, các ngành cần sớm nghiên cứu, quy định đồng bộ giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp liên quan việc xác định loại đất, loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng. Ban hành quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng. Cùng với đó, tăng cường nhân lực cũng như nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng quản lý đất lâm nghiệp, bảo vệ rừng. Chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí đo đạc, chỉnh lý các tờ bản đồ đất lâm nghiệp bị sai lệch với diện tích thực tế để thuận tiện cho việc giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động cho dân…

Về phía chính quyền địa phương, phải quyết tâm đặt mục tiêu phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững đất đã quy hoạch lâm nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách và thường xuyên. Đây chính là nội dung Đoàn giám sát HĐND tỉnh nhấn mạnh. Theo đó, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai và rừng, nhất là khu vực rừng phòng hộ ven biển. Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan có kế hoạch, lộ trình cụ thể khắc phục những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra nhằm phát huy hiệu quả công tác giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng tại cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức trên địa bàn.

MINH HIỀN