Ngăn chặn nguy cơ cháy rừng

Tăng cường phối hợp, cộng đồng trách nhiệm

- Thứ Tư, 05/05/2021, 06:58 - Chia sẻ
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, hiện cả nước có 14,6 triệu hecta rừng, nhưng có tới 7 triệu hecta rừng (chiếm 50%) có nguy cơ cháy cao... Theo đó, để ngăn chặn thảm họa cháy rừng khi mùa nắng nóng đang đến, bên cạnh sự phối hợp của ngành chức năng gồm lực lượng kiểm lâm và cảnh sát phòng cháy chữa cháy còn đòi hỏi trách nhiệm của cộng đồng người dân, nhất là cộng đồng dân cư khu vực có rừng.
Cục Kiểm lâm và Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ ký kết văn bản phối hợp phòng chống nguy cơ cháy rừng

7 triệu hecta rừng có nguy cơ cháy cao

Báo cáo của Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cháy rừng mới đây cho thấy, Việt Nam hiện có 14,6 triệu hecta rừng, bao gồm 10,29 triệu hecta rừng tự nhiên và 4,31 triệu hecta rừng trồng. Trong đó có 7 triệu hecta rừng có nguy cơ cháy cao, chiếm khoảng 50% diện tích rừng cả nước, chủ yếu là rừng thông, tràm, keo, bạch đàn, tre nứa, rừng khộp, rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và rừng nghèo kiệt, trải dài trên nhiều loại địa hình khó khăn, phức tạp, từ khu vực đồng bằng đến vùng đồi núi xa xôi, hẻo lánh.

Đơn cử tại địa bàn Hà Nội, mặc dù công tác phòng chống cháy rừng luôn được các cấp, ngành của thành phố chủ động triển khai, song thực tế vẫn có các vụ cháy rừng xảy ra như vụ cháy rừng tại thôn Minh Tân, Minh Trí, Sóc Sơn và vụ cháy rừng tại Đồi Khọ, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì... gây nhiều tổn thất về tính đa dạng sinh học, tác động đến môi trường, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tương tự, ở một số địa phương như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh... nguy cơ xảy ra cháy rừng cũng luôn được ngành chức năng đặt ở mức báo động, đỏi hỏi phải có nhiều lực lượng để tham gia chữa cháy rừng.

Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hữu Thiện cho biết: bên cạnh yếu tố về thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, cực đoan gây tác động tiêu cực đến công tác phòng cháy chữa cháy rừng, thì hầu hết các vụ cháy do ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng chưa cao, không ít người dân đốt thực bì khi làm rẫy; một số chủ rừng chưa làm tốt các biện pháp phòng cháy như vệ sinh rừng, đường băng cản lửa trước mùa cháy... Trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng hiện nay gần như chưa được tập huấn về phòng cháy chữa cháy rừng nên khi có cháy rừng xảy ra, việc chữa cháy chưa kịp thời, gặp khó khăn, lúng túng. Hơn nữa, liên quan đến công tác chỉ huy chữa cháy rừng, thực tế lực lượng chữa cháy rừng được huy động số lượng lớn nhưng việc phối hợp tác chiến giữa các lực lượng còn lỏng lẻo, chưa được tổ chức chặt chẽ, chưa có sự gắn kết giữa các lực lượng, dẫn đến lãng phí nguồn lực và hiệu quả chưa cao khi chữa cháy rừng.

Thực tế các vụ cháy rừng gần đây cho thấy, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở về điều tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng tại một số địa phương chưa tốt; việc phát hiện xử lý các vụ vi phạm tỷ lệ thấp, vì vậy hiệu quả của việc răn đe phòng ngừa còn thấp... Nhìn chung, tình hình cháy rừng vẫn diễn biến phức tạp. Trung bình hàng năm vẫn có khoảng 269 vụ cháy rừng xảy ra.

Theo thống kê của lực lượng chức năng, trong 5 năm (2016 - 2020), cả nước đã xảy ra 1.564 vụ cháy rừng, thiệt hại 8.625ha rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi diện tích rừng.

Không để "mất bò mới lo làm chuồng"

Liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy đã có nhiều văn bản pháp luật được ban hành. Ngoài Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều; các nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và tiếp tục thực hiện các quy định có liên quan về phòng cháy chữa cháy rừng của Nghị định số 156/2018/ NĐ-CP; Quyết định số 630/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 11.5.2020 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội... còn có hàng loạt Công điện, Chỉ thị trong việc tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng...

Để triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, không để tồn tại tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” tại các địa phương, tại buổi ký kết hợp tác giữa hai lực lượng Kiểm Lâm và Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh - Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) nhấn mạnh: tới đây giữa hai lực lượng cần tăng cường phối hợp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy rừng; tập trung rà soát những quy định của pháp luật còn chưa phù hợp, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu để sửa đổi, xây dựng mới các văn bản nhằm bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực hiện. Cùng với đó, tăng cường phối hợp kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt tại các khu rừng có cảnh báo cháy ở mức IV, V, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy rừng...

Tuy nhiên, cần thấy rằng, để nâng cao ý thức, huy động cộng đồng người dân, nhất là cộng đồng dân cư khu vực có rừng tham gia công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, việc hoàn thiện tài liệu hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ về công tác phòng cháy chữa cháy rừng; đồng thời tăng cường các buổi tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, pano, và trực tiếp đến người dân, cơ sở tại khu vực có rừng cũng cần sớm được thực hiện.

Hải Thanh