Tăng cường phát triển quan hệ trong “kỷ nguyên vàng”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Nam Phi, đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc và là quốc gia châu Phi đầu tiên tham gia hợp tác trong Sáng kiến Vành đai, Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Chuyến thăm nằm trong chiến lược tăng cường phát triển quan hệ với các quốc gia đang phát triển và mới nổi của "đất nước gấu trúc" trong giai đoạn được đánh giá là “kỷ nguyên vàng”.
Chiến lược lâu dài và kiên định
Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Nam Phi theo lời mời của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Trong lịch trình, hai nhà lãnh đạo sẽ đồng chủ trì Đối thoại Lãnh đạo Trung Quốc - châu Phi. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong năm nay, chỉ sau Nga, cho thấy tầm quan trọng của Nam Phi trong chính sách ngoại giao của chính quyền Bắc Kinh.

Thực tế, năm nay Trung Quốc và Nam Phi sẽ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Cho tới nay, quan hệ hai bên đã phát triển vượt bậc và ngày càng có ảnh hưởng. Giới phân tích nhận định, thậm chí mối quan hệ này đang bước vào thời kỳ hoàng kim và tương lai còn rất nhiều hứa hẹn. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bất kể tình hình quốc tế có thay đổi như thế nào, quyết tâm trong việc làm sâu sắc thêm tình hữu nghị Trung Quốc với Nam Phi, tăng cường đoàn kết và hợp tác sẽ không thay đổi. Hai quốc gia tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi và quan tâm lớn của nhau, cùng hợp tác trong con đường phát triển đất nước, đóng góp vào việc thúc đẩy đa cực hóa thế giới và dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Phát triển tình đoàn kết và hợp tác với các nước châu Phi, trong đó có Nam Phi là nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời là chiến lược lâu dài và kiên định của Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc nhận định, sau chuyến thăm, quan hệ Trung Quốc - Nam Phi sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới. Thực tế, cả hai đều là những quốc gia đang phát triển quan trọng trên thế giới, có quan điểm tương đồng về phát triển an ninh và trật tự quốc tế, có sự đồng thuận rộng rãi trong các vấn đề quốc tế và khu vực trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương như Liên Hợp Quốc, G20, BRICS, Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi. Trung Quốc và Nam Phi là một trong những đối tác hợp tác thân thiết nhất.
Khi nền tảng chính trị của hợp tác Trung Quốc - Nam Phi được củng cố, trao đổi kinh tế và thương mại giữa hai nước phát triển hơn, trở thành điểm nhấn trong hợp tác thực chất giữa hai bên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi trong 13 năm liên tiếp và kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chiếm tới 1/5 tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với châu Phi. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 11.2022, tổng thương mại song phương giữa hai bên đã đạt hơn 52 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của Trung Quốc từ Nam Phi chiếm gần 60% tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước. Nông nghiệp, chăn nuôi, khai thác mỏ và nhiều trụ cột khác của Nam Phi cũng được hưởng lợi khá nhiều bởi sự bùng nổ trao đổi thương mại này.
Trong khuôn khổ thượng đỉnh BRICS và chuyến thăm cấp nhà nước thứ 6 tới Nam Phi của nhà lãnh đạo Trung Quốc, các hãng truyền thông Nam Phi ngày 21.8 đã đăng tải bức thư của ông Tập Cận Bình gửi tới người dân và chính phủ quốc gia này. Cụ thể, ông đánh giá cao mối quan hệ song phương khi cho biết: “Trong 25 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc và Nam Phi đã có những bước phát triển nhảy vọt - từ quan hệ đối tác lên đối tác chiến lược và sau đó là đối tác chiến lược toàn diện. Đây là một trong những mối quan hệ song phương sôi động nhất trong thế giới đang phát triển. Mối quan hệ của chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên vàng, có triển vọng rộng lớn và tương lai đầy hứa hẹn”.
Hành trình ngoại giao quan trọng
Trong nỗ lực định hình lại bối cảnh địa chính trị toàn cầu và củng cố ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia mới nổi và đang phát triển, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang bắt đầu hành trình ngoại giao quan trọng, tập trung vào việc mở rộng khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Nỗ lực này đến vào thời điểm khi Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế trong nước và tăng cường cạnh tranh với Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nam Phi, cùng thời điểm với Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg, nơi các nhà lãnh đạo từ 5 quốc gia trong khối sẽ thảo luận về khả năng chào đón các thành viên mới. Đề xuất mở rộng này có tiềm năng định hình lại không chỉ tổ chức BRICS mà còn cả cán cân quyền lực toàn cầu; thực tế, các thành viên của khối chiếm hơn 40% dân số thế giới.
Theo giới truyền thông Nam Phi, vào đêm trước chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự quan tâm ngày càng tăng của nhiều quốc gia đối với việc gia nhập khối BRICS. Trung Quốc đang ủng hộ việc đưa khoảng 20 nước, bao gồm Argentina, Iran, Indonesia và Ảrập Xêút, cùng nhiều quốc gia khác, vào chiến lược tạo ra đối trọng đáng gờm với G7. Động thái này cho thấy hoài bão của Trung Quốc về một trật tự thế giới đa cực hơn, nơi các nền kinh tế mới nổi có tiếng nói lớn hơn trong việc định hình các vấn đề toàn cầu.
Tuy nhiên, triển vọng mở rộng BRICS vấp phải nhiều ý kiến khác nhau giữa các thành viên hiện tại. Ấn Độ và Brazil bày tỏ sự hoài nghi về việc chấp nhận những người mới tham gia, khi họ cân nhắc liệu khối này nên chủ yếu hoạt động như một diễn đàn kinh tế hay phát triển thành liên minh đa dạng hơn của các quốc gia đang phát triển. Các nhà ngoại giao đang phải nỗ lực thiết lập các tiêu chí thành viên để các nhà lãnh đạo BRICS chấp thuận.
Ấn Độ, với nền kinh tế mạnh mẽ, nổi bật là thành viên BRICS thành công trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế và sự tăng trưởng mờ nhạt ở Nga, Brazil và Nam Phi trong thập kỷ qua. Những khác biệt đó đặt ra câu hỏi về tính khả thi của việc kết hợp các thành viên mới vào khối lẫn khả năng duy trì sự gắn kết lẫn hiệu quả của nó.
Nam Phi, thành viên đầu tiên được bổ sung vào nhóm BRIC ban đầu vào năm 2010, coi việc mở rộng là cơ hội để tạo ra trật tự toàn cầu cân bằng hơn. Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh tiềm năng của một BRICS mở rộng bao gồm nhiều quốc gia với các hệ thống chính trị khác nhau, được thống nhất bởi mong muốn quản trị toàn cầu công bằng.
Việc Trung Quốc thúc đẩy mở rộng BRICS bắt nguồn từ hoài bão lớn hơn của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy một trật tự thế giới mà họ đóng vai trò quan trọng. Bằng cách tham gia với Nam bán cầu và tăng cường ảnh hưởng của mình đối với các nền kinh tế mới nổi, Trung Quốc đặt mục tiêu định hình lại các động lực quốc tế theo hướng có lợi cho quốc gia. Điều này đặc biệt có liên quan khi Trung Quốc và Mỹ đang trong cuộc cạnh tranh ngày càng sâu sắc, làm tăng ý nghĩa chiến lược của khối BRICS đối với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao của Chủ tịch Tập Cận Bình đang diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với suy thoái. Bất chấp sự phục hồi ban đầu sau lệnh phong tỏa do Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề như khủng hoảng bất động sản, nợ chính quyền địa phương gia tăng và áp lực giảm phát. Những lo ngại trên hạn chế khả năng của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc tận dụng các thỏa thuận hợp tác và viện trợ hào phóng để bảo đảm ảnh hưởng giữa các quốc gia đang phát triển.
Hơn nữa, nhiều người dân Trung Quốc cảm thấy với chi tiêu quá hào phóng của nước này ở nước ngoài chưa hợp lý khi mà trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong khi tài trợ quốc tế của Trung Quốc cho các sáng kiến cơ sở hạ tầng lớn đã chậm lại, nó đang bù đắp thông qua sự tham gia chính trị và quân sự ở các khu vực như châu Phi. Cách tiếp cận đó cho phép Trung Quốc thể hiện cam kết của mình với các khu vực này trong khi vẫn hoạt động trong giới hạn kinh tế của mình.