Theo ông Đào Duy An, Tổng Thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, Hiệp hội đã triển khai nhiều nhiệm vụ được giao trong Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" như rà soát, nghiên cứu và tham gia Ban Soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Công chứng.
Trong đó, đề xuất các giải pháp đổi mới phương thức tạo điều kiện cho người dân chủ động tiếp cận pháp luật, như sửa đổi, bổ sung về một số trình tự, thủ tục thực hiện công chứng để phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo thuận lợi cho tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp; bổ sung công chứng điện tử và xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng thống nhất trong cả nước, nhằm phục vụ tra cứu của người dân và tổ chức hành nghề công chứng...
Trong quá trình hành nghề, các công chứng viên thường xuyên giải thích cho người yêu cầu công chức hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ; hậu quả pháp lý của việc công chứng, đồng thời Hiệp hội Công chứng viên cũng tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho công chứng viên; phát hành các số tạp chí chuyên đề về công chứng...
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Lý, Trưởng phòng Phòng Quản lý công chứng, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đánh giá cao sự phối hợp của Hiệp hội Công chứng Việt Nam với Bộ Tư pháp thời gian qua trong việc xây dựng thể chế như dự thảo Luật Công chứng; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên, các Hội thảo quốc tế về công chứng.
Qua đó khẳng định, thông qua hoạt động công chứng viên đã trực tiếp phổ biến các quy định pháp luật, tính hợp pháp của các giao dịch, hợp đồng cho người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận, Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa đề nghị, Hiệp hội Công chứng viên tiếp tục phát huy kết quả đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, cần chủ động triển khai Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" ban hành tại Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11.8.2022 của Thủ tướng Chính phủ hiệu quả, bài bản hơn trong thời gian tới. Trong đó, cần ban hành kế hoạch (có thể ban hành kế hoạch riêng hoặc lồng ghép trong kế hoạch công tác hàng năm của Hiệp hội) đề ra rõ nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện, bảo đảm nguồn lực, phân công trách nhiệm cụ thể.
Đặc biệt, chú trọng tới các nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp nói chung và Hiệp hội Công chứng nói riêng đã được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Quyết định số 977/QĐ-TTg như tổ chức tư vấn, giải đáp pháp luật miễn phí; hỗ trợ giải quyết các khó khăn pháp lý cho người dân; vận động người dân và các thành viên của Hiệp hội chủ động, tự giác tìm hiểu chấp hành pháp luật; nghiên cứu thí điểm tiến tới nhân rộng các mô hình điểm về nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân thông qua hoạt động công chứng; tăng cường công tác kiểm tra, sát hạch, nhằm củng cố và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chứng viên để góp phần triển khai các hoạt động PBGDPL.