Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thu hồi, chuyển mục đích đất trồng lúa
Làm việc với UBND huyện Hoài Đức về việc thực hiện các quy định của pháp luật và nghị quyết của HĐND thành phố trong chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội đánh giá cao địa phương đã phối hợp, chủ động lập danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hàng năm; quan tâm chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm sinh kế cho người dân sau chuyển đổi đất lúa. Đặc biệt, cấp ủy, HĐND các cấp đều quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Chưa phát hiện vi phạm liên quan đến chuyển mục đích
Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh cho biết: Từ năm 2021 đến tháng 4.2024, trên địa bàn huyện có 171 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa được Quốc hội và HĐND thành phố ban hành nghị quyết với tổng diện tích là 417,72ha. Trong đó, 23 dự án vốn ngoài ngân sách với tổng diện tích đất trồng lúa là 32,58ha; 148 công trình, dự án vốn đầu tư công với diện tích 385,14ha.
Từ năm 2021 đến nay, huyện đã và đang thực hiện thu hồi đất trồng lúa đối với 119/171 dự án (đạt 69,6%). Hiện, đã thực hiện chuyển mục đích đất trồng lúa sang 13 dự án với tổng diện tích 17,96ha. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện chưa phát hiện trường hợp vi phạm liên quan đến chuyển mục đích đất trồng lúa; việc triển khai thực hiện các dự án có sử dụng đất trồng lúa bảo đảm đúng theo các nghị quyết của Quốc hội, HĐND thành phố ban hành.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi mục đích, huyện cũng gặp khó khăn do một số công trình, dự án đã được thông qua danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích đất trồng lúa, UBND thành phố phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhưng công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng còn chậm; dẫn đến kết quả chuyển mục đích đất trồng lúa đạt tỷ lệ thấp hoặc không bảo đảm so với chỉ tiêu được duyệt…

Bên cạnh đó, đăng ký dự án chuyển mục đích đất trồng lúa để thông qua HĐND phải bảo đảm các quy định tại Khoản 9, Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP ngày 3.4.2023 của Chính phủ. Khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án phát sinh 2 thành phần hồ sơ so với trước đây. Do đó, dự án phải thực hiện xong công tác thu hồi đất để xác định chính xác diện tích đất trồng lúa, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa xong mới đủ điều kiện để đăng ký, trình HĐND thông qua nghị quyết làm cơ sở chuyển mục đích sử dụng đất...
Nâng cao chất lượng rà soát, đề xuất danh mục sử dụng đất
Qua trao đổi với lãnh đạo huyện, các thành viên Đoàn giám sát tập trung đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực này. Trong đó, đề nghị huyện thông tin về tổng diện tích đất lúa trên địa bàn và có khó khăn khi chuyển đổi mục đích hay không? Hay thực tế, có nhiều dự án nhỏ lẻ, liên quan đến đất lúa, nằm xen kẹt thì hướng xử lý của huyện đối với những vướng mắc phát sinh như thế nào? Bên cạnh đó, là một số vấn đề về xử lý đất mặt diện tích lúa để thực hiện dự án; công tác chuyển đổi nghề cho các hộ gia đình có đất lúa chuyển đổi…
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga đánh giá cao huyện đã phối hợp với các sở, ngành của thành phố chủ động lập danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hàng năm; quan tâm đến bảo đảm chuyển đổi nghề nghiệp, sinh kế cho người dân sau chuyển đổi đất lúa. Đặc biệt, các cấp ủy, HĐND đều quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn.

Nhấn mạnh thời gian qua, thành phố hết sức quan tâm, bố trí nhiều vốn cho các dự án lớn thuộc địa bàn 5 huyện đang thực hiện Đề án từ huyện lên quận, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, huyện Hoài Đức tiếp tục thúc đẩy tỷ lệ giải ngân các dự án sau khi đã thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng; nâng cao chất lượng lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm; quyết tâm hơn nữa trong thực hiện các dự án đầu tư công; nỗ lực giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án ngoài ngân sách… Cùng với đó, nâng cao chất lượng rà soát, đề xuất danh mục sử dụng đất; bố trí nhân lực, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các nhiệm vụ được giao liên quan đến quản lý đất đai.