TP Hồ Chí Minh

Tăng cường kiểm soát nguồn thải xả thẳng

- Thứ Ba, 07/07/2020, 06:10 - Chia sẻ
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, để kiểm soát nguồn thải xả thẳng vào nguồn nước mặt trong giai đoạn 2020 - 2025, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của cộng đồng và doanh nghiệp.

Nguồn nước bị ô nhiễm nặng

Theo báo cáo chất lượng nước sông tại 21 vị trí quan trắc chất lượng nước trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, tại các vị trí lấy nước cấp sinh hoạt đều đạt quy chuẩn sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột A. Chất lượng nước mặt tại các khu vực kênh, rạch có các công trình nạo vét, cải tạo, chỉnh trang đô thị như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Đôi - Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé… đã có chuyển biến tốt hơn.

TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát nguồn thải xả thẳng vào nguồn nước mặt trong giai đoạn 2020 – 2025
Nguồn: ITN

Tuy nhiên, các kênh, rạch ở TP Hồ Chí Minh đang phải tiếp nhận hàng trăm nghìn tấn rác thải và một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý, cùng với đó là tình trạng san lấp, lấn chiếm thường xuyên diễn ra khiến ô nhiễm ngày càng nặng. Đơn cử, rạch Văn Thánh (Bình Thạnh) cũng bị ô nhiễm nhiều năm qua, khi rất nhiều cống xả thải của nhà máy, nhà dân trong khu vực này đổ thẳng ra. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại kênh Phạm Văn Bạch (Tân Bình), khi khu vực này có nhiều nguồn thải từ các hộ kinh doanh dịch vụ rửa xe, sản xuất kim loại, giặt là, nhà hàng ăn uống…

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cũng cho biết, hiện nguồn nước thô được dùng để khai thác cung cấp nước sạch chủ yếu là nguồn nước mặt lấy ở lưu vực 2 sông Sài Gòn và Ðồng Nai (chiếm 94%), chỉ một phần nhỏ (6%) khai thác từ nguồn nước ngầm. Dù các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt sông Ðồng Nai, nhất là sông Sài Gòn, có xu hướng ngày càng xấu hơn. Các chỉ tiêu như ammonia, hữu cơ, vi sinh, mangan… trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng.

Đáng lo ngại hơn, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), chất lượng nguồn nước thô trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn có sự hiện diện của ô nhiễm hữu cơ vi lượng. Ô nhiễm hữu cơ là loại ô nhiễm chứa các chất gây bất lợi cho sức khỏe con người, có nguồn gốc từ sản phẩm phụ của công nghiệp hóa học, chất tẩy rửa, thuốc bảo vệ thực vật...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Theo Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, TP Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu giảm thiểu 90% tải lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, để đạt mục tiêu, thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp nạo vét, kêu gọi người dân không xả rác thải, nước thải bừa bãi ra kênh rạch… Tuy nhiên, khó đạt chỉ tiêu này trong năm 2020 do không thể thực hiện được chỉ tiêu 80% nước thải đô thị được thu gom xử lý đạt quy chuẩn.

Chưa kể, hiện nay dù các doanh nghiệp sản xuất có quan tâm đầu tư cải tiến quy trình công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý môi trường, song đa phần quy mô nhỏ, vừa ở vừa sản xuất kinh doanh nên khó đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại địa điểm hoạt động. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm về môi trường còn lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó, ý thức của một bộ phận dân cư còn thấp khiến chất lượng nguồn nước mặt chưa được cải thiện triệt để, dù hàng năm TP Hồ Chí Minh đều đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác cải tạo kênh, rạch và bảo vệ môi trường.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, thành phố sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; kiểm tra sau cấp phép đối với hoạt động, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, nhất là lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, trọng tâm là kiểm tra việc thu gom, xử lý chất thải cũng như giám sát tình hình xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải; buộc các đơn vị có hệ thống xử lý chưa đạt theo quy chuẩn phải đầu tư, cải tạo hệ thống bảo đảm đạt theo quy chuẩn hiện hành.

Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của cộng đồng và doanh nghiệp. Khuyến khích sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh để giảm thiểu chất thải, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Đặc biệt, triển khai thực hiện phủ kín trên địa bàn thành phố mạng lưới quan trắc chất lượng nguồn nước sông và kênh rạch, bảo đảm yêu cầu theo dõi, đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến chất lượng nguồn nước; xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường.

Lê Chi