Hơn 39% cơ sở kinh doanh có vi phạm
Sau 2 tháng triển khai từ tháng 8 và 9/2013, thanh tra chuyên đề về đồ chơi trẻ em năm 2013 đã đạt được những kết quả tích cực. Theo số liệu của Thanh tra Bộ KH-CN, tính đến ngày 10/10, tổng số cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em được thanh tra là 1.708 cơ sở, trong đó có 41 cơ sở sản xuất đồ chơi trẻ em, 18 cơ sở nhập khẩu, 1.649 cơ sở buôn bán. Trong số 1.649 cơ sở buôn bán đồ chơi trẻ em có 94 siêu thị và nhà phân phối đồ chơi trẻ em, 1.555 cơ sở là buôn bán nhỏ lẻ. Tính trung bình, mỗi địa phương thanh tra được xấp xỉ 28 cơ sở. Một số địa phương thanh tra được nhiều cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn quản lý như: Long An Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Sơn La, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế.
Nhiều cơ sở sai phạm chất lượng đồ chơi trẻ em đã bị xử lý. | Ảnh: Công Bằng |
Qua thanh tra cho thấy, số cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em bị xử phạt vi phạm hành chính là 672 cơ sở, chiếm tỷ lệ 39,3% số cơ sở được thanh tra với tổng số tiền phạt gần 435 triệu đồng; tịch thu tiêu hủy 19.600 đồ chơi bạo lực như như kiếm, đao, dao, súng bắn đạn nhựa...; đình chỉ lưu thông đồ chơi là tang vật vi phạm hành chính, buộc khắc phục nhãn hàng hóa đúng theo quy định trước khi cho lưu thông trở lại đối với gần 50.000 đồ chơi.
Theo nhận định của Chánh thanh tra Bộ KH-CN Trần Minh Dũng, các vi phạm chủ yếu là về nhãn hàng hóa, phổ biến là đồ chơi không có nhãn hàng hóa; đồ chơi có nhãn hàng hóa bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt hoặc có nhãn phụ nhưng nhãn phụ có kích thước quá nhỏ khó đọc được thông tin trên nhãn bằng mắt thường; có nhãn hàng hóa nhưng nội dung trên nhãn không đủ, không đúng theo quy định…
Ngoài các hành vi vi phạm về tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hàng hóa kể trên, qua thanh tra, cơ quan thanh tra đã phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm khác như buôn bán hàng hóa đồ chơi trẻ em nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại đồ chơi gây nguy hiểm, mang tính bạo lực, thiếu tính giáo dục. Có 32 địa phương phát hiện và xử lý hành vi buôn bán các loại đồ chơi bạo lực, gây nguy hiểm như các loại súng bắn đạn nhựa, súng bắn nước, đao, dao, kiếm, các loại côn..., gần 19.600 đồ chơi loại này bị các đoàn thanh tra tịch thu tiêu hủy triệt để.
Cần sự phối hợp của các cơ quan và người tiêu dùng
Cuộc thanh tra chuyên đề năm 2013 đã phát hiện tuy không nhiều, tình trạng cơ sở sản xuất ghi chỉ dẫn quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; hàng hóa mang dấu hiệu chỉ dẫn sở hữu công nghiệp trên nhãn hàng hóa nhưng không xuất trình được tài liệu về quyền sở hữu công nghiệp cho đoàn thanh tra. Các đoàn đã kịp thời chấn chỉnh những cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Cần tăng cường kiểm soát chất lượng an toàn đồ chơi trẻ em. | Ảnh: Hạnh Nguyên |
Cuộc thanh tra chuyên đề đã ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng, sở hữu công nghiệp và nhãn hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh đồ chơi trẻ em; phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần lập lại kỷ cương pháp luật.
Mặc dù đồ chơi trẻ em là mặt hàng có tính chất hết sức đặc thù như chủng loại đa dạng phức tạp, chủ thể kinh doanh chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, số lượng ít..., hệ thống văn bản quản lý có những thay đổi và còn nhiều quy định chưa phù hợp, nhưng kết quả nói trên cũng đã khẳng định sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH-CN từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước được phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý của ngành.
Qua đợt thanh tra cũng cho thấy, việc tăng cường kiểm soát chất lượng an toàn đồ chơi trẻ em được các bậc cha mẹ đồng tình ủng hộ, coi đó là sự quan tâm của nhà nước đến thế hệ tương lai. Tuy nhiên, ông Trần Minh Dũng cảnh báo, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các bậc cha mẹ cần có sự quan tâm đến sức khỏe và sự hình thành nhân cách của con cháu hơn nữa để có thể hiểu biết, lựa chọn những đố chơi đảm bảo chất lượng và phù hợp với sự giáo dục lứa tuổi cho con cháu mình.