Nhận thức của cán bộ, người dân từng bước được nâng cao
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành, Tổng cục đã và đang triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và luật Đê điều, hoàn thành đúng tiến độ và triển khai có hiệu quả các văn bản dưới luật sau khi ban hành; tham gia xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai.
Tại các địa phương, đơn cử như tỉnh Lào Cai, trong 2 tháng (tháng 5 và tháng 6.2022), Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các huyện Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà, Bảo Yên và thị xã Sa Pa tổ chức tập huấn công tác phòng chống thiên tai năm 2022 cho 202 học viên. Thành phần tham gia chủ yếu là cán bộ địa chính phụ trách công tác phòng chống thiên tai, trưởng các thôn bản, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại các xã thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn, Bát Xát, Bảo Yên và thị xã Sa Pa.
Trong đợt tập huấn, các giảng viên đã hướng dẫn, tuyên truyền nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, trong đó tập trung vào công tác hướng dẫn các địa phương triển khai các văn bản mới liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như Luật số 60/2020/QH14: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định 66/2021/NĐ-CP ngày 6.7.2021 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1.8.2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai... Từ đó, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Ông Trịnh Phương Nguyên, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa cho hay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống thiên tai và quản lý đê điều; công tác hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều, nhận thức của cán bộ, người dân từng bước được nâng cao.
Theo đó, người dân đã chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, thực hiện tốt ba mục tiêu: bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi; bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhà nước và nhân dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khắc phục nhanh hậu quả và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, lũ, úng ngập gây ra. Khi được tuyên truyền, vận động hầu hết người dân đã tự giác tháo dỡ các công trình, vật dụng vi phạm hành lang bảo vệ đê.
Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đê điều
Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống lũ, bão để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhà nước, nhân dân cũng như thành quả phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra phức tạp.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) Trần Công Tuyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao trách nhiệm chỉ đạo công tác đê điều, theo đó, hàng tháng Bộ tổng hợp tình hình vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trong phạm vi cả nước để gửi các cấp, các ngành liên quan, đồng thời có công văn gửi trực tiếp tới chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố có nhiều vụ vi phạm trong tháng hoặc để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng, quy mô lớn, đề nghị chỉ đạo xử lý theo trách nhiệm đã được pháp luật quy định.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được Quốc hội thông qua vào năm 2021 đã, đang và sẽ góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, ông Tuyên nhấn mạnh.
Vụ Quản lý đê điều cũng sẽ tham mưu cho Tổng cục Phòng, chống thiên tai tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, kiến nghị chính quyền các cấp xử lý theo quy định của pháp luật.