Nhịp cầu

Tăng cường hướng dẫn, giám sát việc thực hiện chính sách

- Chủ Nhật, 25/10/2020, 09:34 - Chia sẻ
Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo triển khai và tuyên truyền đến nhân dân qua nhiều hình thức, nhất là đến các đối tượng có đủ điều kiện thụ hưởng chính sách. Hằng năm, căn cứ danh sách đã được phê duyệt, UBND các huyện chỉ đạo phòng chuyên môn rà soát, thống kê, tổng hợp và điều chỉnh phê duyệt danh sách đối tượng, đồng thời báo cáo với Ban Dân tộc tỉnh. Nhìn chung, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm, việc tuyên truyền chính sách cơ bản hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức của người dân nên chính sách đã phát huy hiệu quả bước đầu.

Đơn cử, theo báo cáo đến thời điểm khảo sát trên địa bàn huyện Bình Gia đã thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán được 16 hộ với 24 triệu đồng (đạt 1,78% so với Đề án được phê duyệt); có 14 hộ vay vốn từ Ngân hàng chính sách với kinh phí giải ngân là 690 triệu đồng để chuyển đổi nghề (đạt 4,03% so với Đề án được phê duyệt). Đối với huyện Cao Lộc, thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán được 12 hộ với 22,5 triệu đồng (đạt 2,57% so với Đề án được phê duyệt); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 138 hộ (đạt 38,22% so với Đề án được phê duyệt) thông qua vay vốn từ Ngân hàng chính sách với kinh phí giải ngân là 6.763 triệu đồng.

Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu nhưng qua khảo sát, giám sát về nội dung này, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lạng Sơn nhận thấy: Do việc phân bổ vốn của Trung ương chậm nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chính sách trên địa bàn. Quá trình tổ chức thực hiện, công tác triển khai, tuyên truyền tại một số địa phương chưa tốt, chưa đầy đủ nội dung của Quyết định 2085/QĐ-TTg và các văn bản liên quan. Cùng với đó, việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện chưa cụ thể; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm thực hiện để phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề trong quá trình tổ chức thực hiện.

Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một chủ trương rất đúng và nhân văn của đảng và nhà nước ta, cần được tổ chức thực hiện hiệu quả để phát huy tác dụng thiết thực. Muốn vậy, bên cạnh kiến nghị việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn của trung ương, đổi mới cách thức nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để đông đảo người dân thuộc đối tượng thụ hưởng biết, tích cực tham gia, các ngành chức năng từ tỉnh đến huyện cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của mình trong hướng dẫn cũng như kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện ở cơ sở, để chính sách sớm phát huy hiệu quả, góp phần đắc lực phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.

LÊ CHI