Tăng cường hợp tác giữa Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Lào

- Thứ Hai, 19/07/2021, 18:44 - Chia sẻ
Ngày 19.7, tại Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh đã hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Kiểm toán Nhà nước Lào Malaithong Kommasith nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hợp tác giữa ngành kiểm toán hai quốc gia trong thời gian qua.

Tại Hội đàm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 76 cuộc kiểm toán, cung cấp 143 Báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Đồng thời, qua kiểm toán đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 19 văn bản pháp luật không phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội đàm
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội đàm

Về kế hoạch 6 tháng cuối năm, Kiểm toán Nhà nước tập trung sẽ triển khai hoạt động kiểm toán theo kế hoạch đã đề ra, phát hành Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 gửi Quốc hội và tham gia ý kiến vào dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2022 và Kế hoạch kiểm toán trung hạn 2022-2024.

Đoàn đại biểu Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tại hội đàm trực tuyến
Đoàn đại biểu Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tại hội đàm trực tuyến

Về chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, ngày 12.8.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, trong đó xác định 3 trụ cột phát triển gồm khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ cùng 7 nội dung chính gồm khuôn khổ pháp lý; hệ thống tổ chức bộ máy; nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng kiểm toán; hội nhập và hợp tác quốc tế; phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học về phát triển cơ sở vật chất; công nghệ thông tin và công nghệ cao.

Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược này và phát triển Kiểm toán Nhà nước là công cụ trọng yếu hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, Kiểm toán Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược để tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước trong tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung nêu trong Chiến lược.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, hội nhập và hợp tác quốc tế là một trong 7 nội dung chính của chiến lược. Trong đó xác định Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp tục là thành viên có trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện các cam kết, thỏa thuận đa phương; hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á đến năm 2021 và thành viên Ban Điều hành đến năm 2024; ứng cử Tổng Thư ký Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á sau năm 2027.

Đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa 2 cơ quan trong những năm qua, Chủ tịch KTNN Lào Malaithong Kommasith cho biết: 2 cơ quan đã tổ chức trao đổi các đoàn cấp cao, phối hợp tổ chức khóa đào tạo trực tuyến thành công. Đặc biệt, KTNN Việt Nam đã hỗ trợ KTNN Lào trong công tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực kiểm toán mà KTNN Lào còn khó khăn, giúp kiểm toán viên nhà nước Lào nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm toán, phục vụ công tác hoạch định chính sách kinh tế của Lào.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch KTNN Lào đề nghị KTNN Việt Nam tiếp tục hỗ trợ KTNN Lào, đặc biệt là trong việc xây dựng văn phòng điện tử, tổ chức các khóa đào tạo cho kiểm toán viên để nâng cao chất lượng kiểm toán, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Lào trong thời gian tới.

Tại hội đàm, hai bên thống nhất sẽ tập trung phát huy và nâng cao hiệu quả các hoạt động thường xuyên trong thời gian qua như trao đổi các đoàn cấp lãnh đạo quản lý, hỗ trợ Kiểm toán Nhà nước Lào kiện toàn thể chế, tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực kiểm toán công. Tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác năm 2022 và những năm tiếp theo giữa hai cơ quan bám sát nhu cầu và năng lực của hai cơ quan một cách hiệu quả, thực chất; tăng cường tổ chức các hoạt động hợp tác trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp; đưa hoạt động hợp tác kiểm toán vào Thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ giai đoạn 2021-2025, trước mắt là năm 2022…

Lâm Hiển