Hỗ trợ kết nối cung – cầu
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ (KHCN) và Khởi nghiệp Lê Thị Khánh Vân cho biết, từ kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho đến sản xuất thương mại là cả quá trình rất khó khăn, phức tạp. Nếu không có các doanh nghiệp đứng bên cạnh các nhà khoa học thì các kết quả nghiên cứu khoa học rất khó được hiện thực hoá trong cuộc sống. Và như vậy sẽ lãng phí một lượng rất lớn các công trình nghiên cứu khoa học và có thể là những công nghệ giúp ích rất nhiều trong đời sống. Tuy nhiên, giữa những nhà khoa học và doanh nghiệp lại có một “khoảng cách”. Bởi vậy rất cần những cầu nối để gỡ bỏ những khoảng cách này.
Tại Hội thảo "Chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạtchia sẻ, với triết lý lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KHCN với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, Bộ đã ban hành nhiều chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển KHCN quốc gia, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong trích lập, sử dụng Quỹ Phát triển KHCN tại doanh nghiệp để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo tổ chức triển khai một số Chương trình, Đề án và nhiều sự kiện kết nối cung–cầu công nghệ như Hội chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), Triển lãm thành tựu KHCN, Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ (TechDemo), Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) ở nhiều quy mô khác nhau... thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Từ năm 2016 đến nay, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ tại một số địa phương thành lập nhiều sàn giao dịch công nghệ và điểm kết nối cung - cầu công nghệ, đại diện cho các vùng địa phương trong cả nước.
Theo thống kê, trên cả nước đã có 14 điểm kết nối cung - cầu công nghệ và hơn 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương thực hiện việc kết nối, xúc tiến hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ đến các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước. Các điểm kết nối này cùng với các tổ chức trung gian của thị trường KHCN đã giúp cho nhiều sản phẩm KHCN được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, là đầu mối liên kết chặt chẽ giữa khối nghiên cứu và doanh nghiệp, cầu nối để huy động các nguồn đầu tư, xã hội hóa trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu
Hiện nay, các trường đại học đóng vai trò như một trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của các quốc gia, thông qua các sứ mệnh như cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao kiến thức, cung cấp kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, công tác thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ từ các viện, trường đang được đẩy mạnh. Một số mô hình đã được thành lập để thúc đẩy thương mại hóa công nghệ thông qua mô hình doanh nghiệp khởi nguồn từ trường đại học, viện nghiên cứu. Có một số viện, trường thiết lập được các mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp và bước đầu cho thấy lối ra cho sản phẩm nghiên cứu, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên trong thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội GS. TS Lê Quân cho biết, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm khoa học và công nghệ trở thành hàng hóa, nhanh chóng chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Với tiềm lực về hạ tầng, nhân lực và mạng lưới đối tác rộng khắp trong nước và quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai một số chính sách tiêu biểu như: Ưu tiên đầu tư kinh phí cho các nhiệm vụ phát triển sản phẩm ứng dụng trọng điểm, phát triển các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh với nhiều điều kiện thuận lợi trong tổ chức và hoạt động.
“Đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội có khoảng 175 sản phẩm KHCN tiềm năng có khả năng chuyển giao và thương mại hóa. Mới đây nhất, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phê duyệt chương trình trọng điểm "KHCN phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển". Đây là một điển hình cho mô hình hợp tác phát triển sản phẩm ứng dụng giữa ba bên trường đại học - doanh nghiệp - địa phương”, GS. TS Lê Quân nói.
Việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu... không chỉ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, mà còn giúp đẩy nhanh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Tuy nhiên, hoạt động này còn chưa tương xứng với tiềm năng, trong thời gian tới cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhằm hình thành hệ sinh thái bền vững cho các nhà khoa học.