Nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 38 điều, bãi bỏ 4 điều, 2 khoản của Luật hiện hành và bổ sung 20 điều luật mới.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn hiện nay đang được điều chỉnh bởi Nghị quyết số 96/2023/QH15. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến xây dựng 2 phương án.
Phương án 1: Dự thảo Luật quy định bãi bỏ các điều 18, 19, 63 và 64. Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội.
Phương án 2: Dự thảo Luật không có quy định về vấn đề này. (Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu; việc ngưng hiệu lực thi hành của các điều 18, 19, 63, 64 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thực hiện theo Nghị quyết số 96/2023/QH15).
Góp ý về quy định này, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ TS. Hoàng Thị Ngân cho rằng, dự thảo Luật lần này đã chú trọng quy định về bỏ phiếu tín nhiệm với tính chất là quyền của chủ thể giám sát, là một trong những hình thức giám sát quan trọng. Nội dung được sửa đổi, bổ sung nhìn chung bảo đảm sự thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 96/2023/QH15, hướng tới tính hệ thống, dễ tiếp cận. Việc “thu hút” liều lượng các quy định từ Nghị quyết số 96/2023/QH15 là có cơ sở, xuất phát từ mục đích, đặc điểm, nội dung của chế định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; công tác đánh giá cán bộ...
Căn cứ cơ chế kiểm soát quyền lực và cơ chế giám sát trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, TS. Hoàng Thị Ngân nêu rõ, dự thảo Luật tiếp tục duy trì các quy định đã ổn định, được thực tiễn kiểm nghiệm, phát huy hiệu quả; đồng thời, lưu ý, cần thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ trong việc quy định những nội dung mới.
Cùng quan điểm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, PGS.TS Đinh Xuân Thảo cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là một hình thức giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, vì vậy, cần được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đang được quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15; tại Nghị quyết này có quy định ngưng hiệu lực thi hành các điều 18,19,63 và 64 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 kể từ ngày Nghị quyết số 96/2023/QH15 có hiệu lực thi hành cho đến khi Quốc hội có quy định khác.
Do đó, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đề xuất, có thể xử lý bằng một trong hai hướng. Một là, luật hóa Nghị quyết số 96/2023/QH15 trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Hai là, Luật quy định bãi bỏ các điều 18, 19, 63 và 64 của Luật này và dẫn chiếu thi hành theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội.
Luật hóa những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của Nghị quyết 96
Nhấn mạnh cần quy định nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại dự thảo Luật lần này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, PGS.TS Lê Minh Thông nêu rõ, bởi đây là một công cụ hết sức sắc bén của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã được thực tiễn chứng minh là đúng, hiệu quả.
Cũng theo PGS. TS Lê Minh Thông, nội dung này cần phải được điều chỉnh bởi luật, theo đó, không nhất thiết phải luật hóa hoàn toàn Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, cần rà soát, nghiên cứu để luật hóa những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của Nghị quyết số 96/2023/QH15, trong đó, chú trọng đến những vấn đề mang tính nguyên tắc, quan điểm, định hướng lớn. “Nên giữ lại hình thức giám sát này trong luật với vai trò là một trong năm hình thức giám sát cơ bản, quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân”, PGS. TS Lê Minh Thông nêu rõ.
Cơ bản đồng tình với những lập luận và quan điểm nêu trên, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, TS. Nguyễn Quân cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu luật hóa những nội dung cơ bản, trọng tâm tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội, xác định rõ việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là hình thức giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; việc thực hiện cần bảo đảm đồng nhất, hiệu quả.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này cần phải đồng bộ, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật; tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung phải chú trọng đến tính toàn diện, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; sửa đổi các quy định làm phát sinh khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế của hoạt động giám sát hiện nay.