Quy chế quản lý khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý

- Thứ Ba, 23/02/2021, 08:34 - Chia sẻ
Chiều qua, sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy chế quản lý khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Văn phòng Quốc hội (VPQH).

Phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà khoa học

Nghị quyết số 887/NQ-UBTVQH12 ngày 5.3.2010 kèm theo Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thuộc VPQH (sau đây gọi là Quy chế) là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp công tác nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học trong các cơ quan Quốc hội đi vào nền nếp, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, Quy chế đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Do vậy, cần thiết ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ mới, thay thế Quy chế hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, quản lý khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH và VPQH.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Ảnh: L. Hiển

 

Thống nhất sự cần thiết ban hành Quy chế mới, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc ban hành Quy chế mới nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời phúc đáp yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý khoa học, nghiên cứu khoa học trong các cơ quan Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH và VPQH, cập nhật, cụ thể hóa các quy định của pháp luật trong quản lý và nghiên cứu khoa học phù hợp với đặc thù hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Việc ban hành Quy chế mới, theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ góp phần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, vai trò, trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH và VQPH trong công tác quản lý khoa học và nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực phục vụ hoạt động của Quốc hội trong thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Không phải vấn đề bằng cấp 

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu trong các cơ quan Quốc hội, dự thảo Quy chế bổ sung nhiều quy định mới nhằm tăng tính cạnh tranh trong tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học (Điều 12); nâng cao tiêu chuẩn làm chủ nhiệm, cộng tác viên chính các nhiệm vụ khoa học, nhất là các đề tài cấp bộ (Điều 7); quy định chặt chẽ hơn về sản phẩm trung gian phải đăng trên các tạp chí uy tín; ngoài các sản phẩm chung, dự thảo Quy chế quy định mỗi đề tài/đề án cấp Bộ phải có một báo cáo chuyên đề gửi ĐBQH tại các Kỳ họp Quốc hội khi thảo luận về những nội dung có liên quan đến chủ đề được đề tài nghiên cứu (Điều 6); khi đề tài được bảo vệ thành công thì công trình phải được phổ biến công khai trong các cơ quan Quốc hội để khai thác, sử dụng (Điều 36); về việc phổ biến dưới dạng xuất bản đối với các đề tài/đề án cấp Bộ đạt loại xuất sắc (Điều 37).

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại phiên họp  

Ảnh: L. Hiển

Cơ bản nhất trí với quy định trên đây, song các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra một số nội dung cần rà soát, hoàn thiện. Trong đó có quy định về tiêu chuẩn cá nhân là chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ. Cụ thể là, dự thảo Quy chế quy định điều kiện đối với người làm Chủ nhiệm đề tài phải có thời gian công tác tại cơ quan Quốc hội là 8 năm đối với Thạc sĩ, 10 năm đối với Cử nhân.

Nhất trí cần quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn đối với cá nhân là Chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ để nâng cao chất lượng và năng lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài, song Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng lưu ý, cần cân nhắc điều kiện về thời gian công tác tại cơ quan Quốc hội vì trong quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ không có yêu cầu này. Việc quy định cứng chỉ có cá nhân có học vị Tiến sĩ trở lên mới đủ tiêu chuẩn làm Chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở; chỉ người làm việc ở các cơ quan Quốc hội mới được chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là không nhất thiết. Bên cạnh đó, việc quy định hạn chế giao Chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với người nghỉ hưu cũng không phù hợp, sẽ hạn chế việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học có năng lực, trí tuệ tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động của Quốc hội. 

Giải trình thêm về vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 là luật chung điều chỉnh các hoạt động khoa học và công nghệ nên chỉ quy định điều kiện tối thiểu đối với người làm Chủ nhiệm đề tài là phải có bằng Cử nhân. Nhưng thực tế cho thấy, đối với những ngành xã hội và đặc biệt với ngành luật, nếu chỉ quy định yêu cầu trình độ Cử nhân mà không có quy định giới hạn thâm niên công tác thì dễ dẫn đến trường hợp người mới tốt nghiệp cử nhân, chưa có nhiều kinh nghiệm công tác đã làm Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ, sẽ khó bảo đảm chất lượng của đề tài. “Thực tế, hầu hết các cơ quan khoa học đều quy định về yêu cầu thời gian công tác đối với cá nhân làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ từ 5 - 10 năm”, ông Nguyễn Văn Hiển cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, các quy định trong dự thảo Quy chế về tiêu chuẩn cá nhân làm Chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ chỉ là cụ thể hóa quy định trong thông tư, hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ khác có liên quan. Do đó, ông tán thành quan điểm của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đề nghị nên cân nhắc việc quy định các tiêu chí theo hướng “quá khắt khe” như trong dự thảo. Bởi lẽ, không giống như hoạt động nghiên cứu trong các viện hàn lâm khoa học đòi hỏi phải rất chặt chẽ, hoạt động nghiên cứu trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và VPQH đôi khi không chỉ thuần học thuật mà cần cả tính ứng dụng thực tiễn. Hơn nữa, nhiệm kỳ của Quốc hội chỉ có 5 năm, nếu đòi hỏi yêu cầu kinh nghiệm đối với người làm Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ tới 8 - 10 năm thì có khó không?

Thông thường, yêu cầu đặt ra đối với người làm Chủ nhiệm đề tài không phải vấn đề bằng cấp mà là người đó có đủ sức để làm Chủ nhiệm đề tài hay không. Chính vì vậy, theo ông Phan Thanh Bình, dự thảo Quy chế cần quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm thẩm định trình độ của cá nhân làm Chủ nhiệm đề tài. 

Nhật An