Thực hiện pháp luật về bình đẳng giới

Tăng cường giám sát

- Thứ Sáu, 25/12/2020, 07:34 - Chia sẻ
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay bạo lực giới và bất bình đẳng giới vẫn có xu hướng gia tăng. Chính vì vậy, để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới trong các lĩnh vực, cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới; đẩy mạnh các hoạt động thẩm tra, giám sát lồng ghép giới trong xây dựng các luật…

Thu hẹp khoảng cách giới

Để thực hiện bình đẳng giới đạt hiệu quả, công tác quản lý nhà nước trong việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 80% và đến năm 2020, có 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2011 đến 6.2020, Quốc hội đã ban hành 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Chính phủ ban hành 1.413 nghị định và đều được xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, báo cáo của Bộ Tư pháp cũng cho biết, nếu như năm 2015 có 129 văn bản quy phạm pháp luật được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trên tổng số 130 văn bản quy phạm pháp luật cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, đạt tỷ lệ 99%. Đến năm 2019, thống kê ở 4 cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã có 134 văn bản quy phạm pháp luật được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trên tổng số 139 văn bản quy phạm pháp luật cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, đạt tỷ lệ 96%.

Cùng với việc xây dựng văn bản pháp luật, việc bố trí nguồn lực, nhân lực làm công tác bình đẳng giới cũng rất được chú trọng. Tính đến ngày 31.12.2019, cả nước có 146 công chức làm công tác bình đẳng giới ở cấp tỉnh. Tính trung bình mỗi tỉnh có 2, 3 công chức làm công tác bình đẳng giới. Ở cấp huyện, đa phần là cán bộ làm công tác kiêm nhiệm và ở cấp xã, công tác bình đẳng giới do công chức Văn hóa - Xã hội kiêm nhiệm. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới thường xuyên thay đổi, chưa ổn định do chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ đã được hình thành qua thực hiện các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên cả nước. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Tây Ninh đã hình thành đội ngũ cộng tác viên ở các xã, phường, thị trấn và có quy định hỗ trợ phụ cấp cho cộng tác viên làm công tác này.

Tiến bộ của phụ nữ gắn với bình đẳng giới

Mặc dù đạt được kết quả rất đáng ghi nhận ở trên, song theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, một số văn bản hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành kịp thời. Nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo còn gặp khó khăn trong việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. “Đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, hạn chế về kiến thức và kỹ năng và thiếu kinh nghiệm trong tổ chức triển khai nhiệm vụ. Ở các bộ, ngành, địa phương, hầu hết cán bộ làm công tác bình đẳng giới đều kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên hiệu quả công tác còn hạn chế” - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết.

Bàn về giải pháp để khắc phục những hạn chế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc hình thành và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới và duy trì tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ là cần thiết. Điều này tạo ra sự thống nhất và đồng thuận cao giữa các bộ, ngành chức năng trong triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người của phụ nữ. Trong đó, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ cần phải gắn chặt chẽ với thực hiện bình đẳng giới, phải được coi như là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thì mới thực sự đem lại hiệu quả trên thực tế. Đồng thời, nâng cao năng lực và tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới để có thể tư vấn, đánh giá hiệu quả lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào công tác quản lý nhà nước trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng để kiểm tra, thanh tra và kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm minh những vi phạm về pháp luật bình đẳng giới, lồng ghép nội dung về bình đẳng giới trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý của các cơ quan, đơn vị. Nội dung kiểm tra thiết thực, tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra qua từng năm.

Điều 3, Thông tư số 17/2014/TT-BTP Quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định: Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được thực hiện trong toàn bộ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. 

 

Thái Yến