Tăng cường giám sát thực hiện kết luận chất vấn, giải trình

- Thứ Bảy, 26/12/2020, 07:01 - Chia sẻ
Thảo luận tại hội nghị, một trong những nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm là hoạt động chất vấn, giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND. Theo đó, để nâng cao hiệu quả hình thức giám sát quan trọng này, Thường trực HĐND các tỉnh nhấn mạnh cần tăng cường giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị bằng nhiều hình thức; cùng với đó là quy định rõ các chế tài đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Phân biệt rõ hoạt động chất vấn và giải trình

Trước đây, hoạt động chất vấn, giải trình chỉ được thực hiện tại các kỳ họp thường kỳ của HĐND. Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, hoạt động này được mở rộng được thực hiện tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh. Mặc dù là quy định mới nhưng Thường trực HĐND các địa phương trong khu vực đã tích cực triển khai với nhiều sáng tạo. Thường trực HĐND một số tỉnh như Cao Bằng, Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La... đã sử dụng hình ảnh minh họa về các chủ đề được đưa ra chất vấn, giải trình để làm phiên họp thêm sôi động. Trong nhiệm kỳ, trung bình mỗi tỉnh đã tổ chức được từ 4-5 phiên chất vấn, giải trình, với hàng chục nội dung được đưa ra xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, vẫn còn địa phương chưa tổ chức thường xuyên, có nơi còn lúng túng khi triển khai, thậm chí chưa phân biệt rõ giữa chất vấn và giải trình. Theo Thường trực HĐND tỉnh Cao Bằng, khó khăn lớn nhất là nhận thức của đại biểu HĐND, người bị chất vấn và người giải trình khi chưa phân biệt rõ khi nào là chất vấn, trả lời chất vấn và khi nào là yêu cầu giải trình, giải trình cùng ý nghĩa của hoạt động này.

Chung quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Văn Cài cho rằng, xét về hình thức, hoạt động chất vấn và giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nhiều điểm giống nhau khiến nhiều người cho rằng 2 hoạt động này là một. Đó cùng là hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp, cùng do một chủ thể đứng ra tổ chức là Thường trực HĐND. Tuy nhiên, trong hoạt động chất vấn có giải trình làm rõ nguyên nhân; còn hoạt động giải trình có các ý kiến nêu câu hỏi yêu cầu giải trình tiếp về trách nhiệm, biện pháp khắc phục.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Sơn La Quàng Thị Xuyến khẳng định, trong hoạt động chất vấn, người chất vấn phải là đại biểu HĐND, còn trong hoạt động giải trình, chủ tọa là người nêu nội dung yêu cầu giải trình, các thành viên Thường trực HĐND và các đại biểu HĐND tham dự có thể nêu thêm những nội dung yêu cầu giải trình, làm rõ. Nội dung, kế hoạch tổ chức giải trình được gửi trước tới người phải giải trình chậm nhất là 10 ngày, còn đối với nội dung chất vấn, luật không quy định về việc gửi trước.

Tăng cường giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị

Để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình tại các phiên họp Thường trực HĐND, các đại biểu cho rằng cần tăng cường giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Thường trực HĐND. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Văn Cài cho rằng, sau khi chất vấn, giải trình, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện lời hứa của UBND và các cơ quan chuyên môn, yêu cầu biện pháp khắc phục rõ lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành; thông báo kết quả thực hiện cho người yêu cầu chất vấn, giải trình và báo cáo với HĐND kết quả thực hiện.

Chung nhận định, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu Chu Lê Chinh nhấn mạnh, Thường trực HĐND cần xem xét lựa chọn những nội dung giải quyết chưa thỏa đáng, khó giải quyết hoặc kết luận còn chung chung để tổ chức tái giám sát. Việc lựa chọn thành phần tham gia đoàn giám sát cũng rất quan trọng. Đối với tỉnh Lai Châu, Thường trực HĐND tỉnh giao Trưởng Ban Pháp chế chủ trì phối hợp với các ban, mỗi ban bố trí cử 1 đại diện lãnh đạo tham gia. Kế hoạch, đề cương giám sát cần phải chủ động xây dựng sớm gửi đến cơ quan chức năng; đề cương nêu rõ kiến nghị và nội dung trả lời của UBND tỉnh, nhất là phần “hứa” thực hiện để cơ quan, đơn vị nắm rõ và chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn giám sát.

Còn theo Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Đội, cần có các văn bản dưới Luật để hướng dẫn các quy định giám sát của HĐND. Đặc biệt là quy định rõ chế tài đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện các kiến nghị sau giám sát nói chung của HĐND, Thường trực, các Ban, đại biểu HĐND và hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND nói riêng.

Chi An